Đổi mới dạy học Ngữ văn với định dạng đề thi tốt nghiệp THPT 2025

12/01/2024, 07:34
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cô Nguyễn Thị Giang Hương, Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên) chia sẻ về đổi mới dạy học Ngữ văn với định dạng đề thi tốt nghiệp THPT 2025.

Xây dựng kế hoạch dạy học chi tiết

Cô Nguyễn Thị Hương Giang cho biết, hiện nay tổ chuyên môn Trường THPT Trần Quang Khải đã giao cho nhóm Ngữ văn 11, 10 xây dựng kế hoạch dạy học chi tiết dựa trên những định hướng về cấu trúc và nội dung của đề minh hoạ. Đồng thời, bám sát vào bảng đặc tả, mô tả, xây dựng ma trận đề phù hợp cho các bài kiểm tra thường xuyên, định kì của học kì II.

Mỗi giáo viên tự xây dựng kế hoạch của cá nhân áp dụng cho các lớp thực tế giảng dạy, có định hướng, phân loại đối tượng học sinh, từng bước nâng cao chất lượng dạy học đáp ứng yêu cầu của đổi mới kiểm tra, đánh giá theo Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT ngày 28/11/2023 của Bộ GD&ĐT.

Dạy học theo đặc trưng thể loại, kiểu văn bản

Đề minh hoạ cấu trúc định dạng đề thi môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được xây dựng theo cách đọc hiểu văn bản bám sát vào đặc trưng thể loại.

Từ đó, cô Nguyễn Thị Hương Giang cho rằng, dạy học Ngữ văn trong Chương trình GDPT 2018, giáo viên cần hướng dẫn học sinh nắm rõ có nhiều thể loại như thần thoại, cổ tích, truyện ngắn, truyện khoa học viễn tưởng, thơ Đường luật, thơ tự do, ngâm khúc, bi kịch, hài kịch...

Cùng với đó, nắm vững kiểu văn bản (văn nghị luận và văn bản thông tin), được phân loại theo phương thức biểu đạt như văn bản miêu tả, văn bản tự sự, văn bản thuyết minh, văn bản nghị luận, văn bản biểu cảm, nhật dụng…

Nắm vững những thể loại cơ bản, học sinh đã có được chìa khoá vạn năng trong khi học Ngữ văn.

Khi giảng dạy cho học sinh, giáo viên cần tập trung vào các biểu hiện chính, các đặc trưng tiêu biểu nhất của mỗi thể loại và kiểu văn bản để giúp học sinh nhận diện và phân tích tác dụng của các yếu tố hình thức trong thể loại, kiểu văn bản.

Dạy tác phẩm truyện nên chú ý vào đặc trưng tự sự (kể việc): Chuyện gì, xảy ra ở đâu, trong bối cảnh nào, xảy ra như thế nào, nhân vật, ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật, điểm nhìn và sự thay đổi điểm nhìn, ngôi kể và tác dụng của ngôi kể…

Khi dạy học sinh cách khám phá thơ cần chú ý đặc trưng là yếu tố trữ tình (bày tỏ tình cảm): Ai là người bày tỏ cảm xúc (nhân vật trữ tình), bày tỏ với ai, bày tỏ những gì, bày tỏ bằng cách nào (vần, nhịp, từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ…

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Dạy học sinh cách đọc hiểu văn bản

Muốn học sinh có khả năng tự đối mặt với mọi dạng đề kiểm tra đánh giá, cô Nguyễn Thị Hương Giang lưu ý mỗi người giáo viên cần thay đổi cách dạy.

Trước đây, thầy cô sử dụng cách dạy theo lối giảng văn, bình văn, giảng cho học sinh nghe về cái hay, cái đẹp của tác phẩm theo hiểu biết và cảm nhận của người dạy.

Còn hiện tại, dạy Ngữ văn là dạy cách đọc hiểu văn bản; giáo viên tổ chức các hoạt động để học sinh tự tìm ra cái hay, cái đẹp của văn bản, tác phẩm theo cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm… của học sinh.

Thầy cô cần chú ý kết quả tiếp nhận của từng người đọc; cá thể hóa và đa dạng hóa cách hiểu một văn bản theo yêu cầu của lý thuyết tiếp nhận và dạy học hiện đại.

Mỗi văn bản nghệ thuật của từng thể loại, giáo viên cần được phân loại rõ các yếu tố nghệ thuật và nội dung nhằm giúp học sinh thấy được các đặc trưng riêng, đáp ứng định hướng kiểm tra, đánh giá của Bộ GD&ĐT từ năm 2025.

Thường xuyên rèn kĩ năng, thao tác viết đoạn văn, bài văn

Trong các giờ học chính khoá, chuyên đề học tập hay Văn địa phương, giáo viên cần linh hoạt, mở rộng, đưa thêm văn bản ngoài sách giáo khoa, hướng dẫn kĩ phương pháp, kỹ thuật dạy học bám sát vào đặc trưng thể loại để học sinh luôn linh hoạt, chủ động khi gặp những văn bản khó.

Đồng thời, củng cố, bồi dưỡng thường xuyên kiến thức trọng tâm cơ bản, thao tác làm bài cho từng dạng đề nghị luận xã hội, nghị luận văn học cho học sinh.

Cô Nguyễn Thị Hương Giang nhấn mạnh: Chỉ có tự rèn, tự luyện, thường xuyên hình thành kĩ năng viết đoạn văn khoảng 200 chữ về những đặc trưng của tác phẩm theo thể loại, viết bài văn khoảng 600 chữ về các vấn đề xã hội thường gặp trong cuộc sống, học sinh mới có thể hoàn toàn làm chủ các bài thi môn Ngữ văn trong tương lai.

"Trong thời gian tới, sẽ có rất nhiều điều cần phải làm ngay đối với cả giáo viên và học sinh trong dạy và học môn Ngữ văn nhằm nâng cao chất lượng bộ môn.

Thời điểm này, khi đã có trong tay định hướng cấu trúc, bảng đánh giá năng lực, cấp độ tư duy, chúng tôi đã có trong tay kim chỉ nam để chủ động xây dựng kế hoạch dạy học cho học sinh một cách khoa học nhất.

Việc áp dụng vào giảng dạy thực tế đối với HS khối 10, 11 sẽ trở nên dễ dàng, phù hợp, đạt hiệu quả, tránh được sự mông lung của cả người dạy, người học. Đây chắc chắn là bước đệm quan trọng giúp cả thầy và trò có những thay đổi, làm quen, đáp ứng tốt với cách thức kiểm tra, đánh giá của Chương trình GDPT 2018", cô Nguyễn Thị Hương Giang chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đổi mới dạy học Ngữ văn với định dạng đề thi tốt nghiệp THPT 2025