Theo thông tin từ Vườn Quốc gia Côn Đảo và Sixsen Côn Đảo, khoảng 7 giờ sáng ngày 14/12/2024, tại bãi Đất Dốc, huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) xuất hiện một con rùa mẹ nặng khoảng 50kg bò lên bãi đẻ được 98 quả trứng, sau đó quay về biển.
Cụ thể, vào khoảng 7 giờ sáng ngày 14/12/2024, tại bãi cát Đất Dốc xuất hiện 1 con rùa mẹ nặng khoảng 50kg lên bãi đẻ được 98 trứng. Sau đó, rùa mẹ đã được lực lượng cứu hộ rùa biển của Sixsenses Côn Đảo quan sát bảo vệ rùa trở về biển an toàn.
Vườn Quốc gia Côn Đảo thông tin, qua hình thái và đặc điểm sinh học của rùa mẹ và tham khảo ý kiến của chị Bùi Thị Thu Hiền - Chuyên gia về rùa biển của tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (IUCN) thì đây là loài đồi mồi dứa (Lepidochelys Olivacea) thuộc loại nguy cấp theo phân loại của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).
Đồi mồi dứa là một trong 5 loài rùa biển quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng, cần được bảo tồn.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, bà Bùi Thị Thu Hiền-Chuyên gia về rùa biển của tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (IUCN) vui mừng cho biết, rất lâu rồi mới thấy loài đồi mồi dứa ((Lepidochelys Olivacea) quay lại Việt Nam đẻ trứng và đẻ tại bãi biển Côn Đảo.
Đồi mồi dứa lên đẻ rất hiếm ở Việt Nam mặc dù loài này lên đẻ rất nhiều ở Khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Bà Bùi Thị Thu Hiền cho biết, rùa có tập tính đẻ từ 2 đến 5 ổ một mùa đẻ và từ 2 đến 5 năm rùa quay lại đẻ và thường sẽ quay lại nơi đã từng đẻ trứng thành công. Mỗi lần đẻ, rùa thường đẻ rất nhiều trứng và lên từ 2 cho đến 5 lần tùy thuộc vào độ trưởng thành của rùa…
Loài rùa nào đối với chúng ta đều rất quý không chỉ là đồi mồi dứa. Vì vậy việc có 1 cá thể rùa biển là đồi mồi dứa lên bờ đẻ trứng tại bãi biển Đất Dốc, huyện Côn Đảo là một tín hiệu đáng mừng và chúng ta hy vọng đồi mồi dứa sẽ quay lại để có thể hồi phục quần thể rùa biển quý hiếm này ở Việt Nam.
Vườn quốc gia Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là nơi đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công chương trình bảo tồn rùa biển. Số lượng rùa biển về đẻ trứng tại Côn Đảo chiếm khoảng 90% số lượng rùa biển của Việt Nam.
Từ năm 1994, Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã triển khai chương trình bảo tồn rùa biển với ba nội dung chủ yếu: nghiên cứu đặc tính sinh thái học của rùa biển; Bảo vệ sinh cảnh làm tổ và các tổ trứng; Xây dựng trại giống. Các chương trình hành động cụ thể là đeo thẻ, đeo máy định vị vệ tinh, đo đạc kích thước rùa biển; tuần tra, kiểm soát, san lấp vệ sinh bãi đẻ, di dời các tổ trứng đến nơi an toàn, tạo trạm ấp trứng an toàn, kiểm tra và thả rùa con về biển.
Tháng 12/2022, Vườn quốc gia Côn Đảo vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong công tác bảo tồn rùa biển. Tháng 1/2009, Vườn quốc gia Côn Đảo được xác lập kỷ lục quốc gia "Vườn quốc gia thả rùa con về biển nhiều nhất Việt Nam". Theo đánh giá thì kỷ lục này không chỉ của Việt Nam mà của cả Đông Nam Á. Vườn cũng là đơn vị đầu tiên của Việt Nam trở thành thành viên mạng lưới "Bảo tồn rùa biển khu vực Ấn Độ Dương - Đông Nam Á" (IOSEA).
Nghiên cứu của Vườn quốc gia Côn Đảo cho thấy, mùa làm tổ sinh sản của rùa biển là quanh năm, nhưng cao điểm thường vào dịp cuối tháng 4 đến tháng 10. Đến mùa sinh sản, rùa biển di cư từ vùng kiếm ăn đến khu vực làm tổ, quá trình giao phối thường diễn ra trên đường di cư và trước các bãi đẻ.
Côn Đảo chính là địa điểm tuyệt vời dành cho loài rùa. Cụm đảo xung quanh bao gồm 16 đảo lớn nhỏ không người và hơn 80% diện tích đất đảo là khu bảo tồn thuộc Vườn Quốc Gia được lưu trữ và bảo vệ nghiêm ngặt. Tách biệt với tốc độ phát triển của đất liền, nơi đây là một trong những chốn hoang sơ thiên nhiên còn sót lại của Việt Nam, tạo nên một môi trường lí tưởng cho việc sinh sản của loài rùa biển xanh, vốn nằm trong danh sách cần được bảo tổn.
Bình quân mỗi năm gần đây, Vườn Quốc gia Côn Đảo cứu hộ trên 1.500 tổ trứng rùa biển, tiến hành ấp nở nhân tạo và thả trên 150.000 cá thể rùa con về biển.
Đây là hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác bảo tồn loài động vật nguy cấp, quý hiếm có tên trong Sách đỏ thế giới, được các tổ chức bảo tồn thiên nhiên trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Nhận thấy việc bảo tồn những quần thể quý hiếm như rùa biển là việc làm ý nghĩa, Six Senses Côn Đảo đã thiết kế lại bãi biển phía trước khu nghỉ dưỡng, nhằm tối ưu tỉ lệ sinh nở của trứng rùa và giảm thiểu những tác động tiêu cực đến tuổi thọ của rùa con mới sinh. Nhiệt độ của cát ấp trứng đóng vai trò thiết yếu quyết định giới tính của rùa khi ra đời và ảnh hưởng đến quá trình sinh nở của trứng. Do vậy, những ổ trứng rùa được chăm sóc kĩ càng bằng sự quản lí và điều chỉnh nhiệt độ cát thích hợp. Khu nghỉ dưỡng còn sử dụng hệ thống đèn không chói trong những khu vực villa và residence nhằm giảm thiểu ánh sáng nhân tạo để đảm bảo môi trường tự nhiên nhất.
Về vấn đề này, Bà Bùi Thị Thu Hiền cho rằng, cần kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay bảo vệ quần thể rùa biển. Hiện nay, Six Senses Côn Đảo là doanh nghiệp đang làm tốt việc này, họ tự hào về những việc làm ý nghĩa này và đầu tư hỗ trợ cho rùa đẻ ở bãi ấp của họ, từ đó tỷ lệ sống sót của rùa non cao hơn. Ngay cả Vườn Quốc gia Côn Đảo cũng phải di dời bãi đẻ hoặc lập bãi ấp nhân tạo để không bị ảnh hưởng của thời tiết như mưa gió, bão, sóng đánh từ đó khả năng sống của rùa non tốt hơn.
"Nhiều bãi biển của Việt Nam có doanh nghiệp khai thác sử dụng và làm thế nào để các doanh nghiệp thấy được ý nghĩa của việc bảo tồn này cùng chung tay bảo vệ. Và Six Senses Côn Đảo là doanh nghiệp đi đầu, đã đầu tư vào hoạt động này coi đây một trong những công tác quan trọng của doanh nghiệp để cùng chung tay bảo tồn những loài rùa biển quý hiếm-công việc cần nhiều thời gian chứ không phải 1-2 năm là có kết quả", bà Bùi Thị Thu Hiền nói.