Đổi mới hoạt động thư viện gây hứng thú đọc sách cho trẻ

Đình Tuệ | 02/02/2023, 14:34
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Việc đầu tư, bổ sung lượng sách các loại một cách phong phú góp phần giúp tăng hứng thú, tạo thói quen đọc sách cho học sinh tại thư viện.

Đa dạng hóa các đầu sách

Lứa tuổi tiểu học là giai đoạn quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển văn hóa đọc bởi học sinh đã được dạy đọc và viết bằng tiếng mẹ đẻ. Ngoài chương trình học tập trên lớp, việc đọc sách sẽ giúp các em bổ sung tri thức, mở mang trí tuệ, bồi đắp nhân cách, xây dựng nền tảng văn hóa cá nhân.

Với mục tiêu trên, năm học 2022-2023, Trường Tiểu học thị trấn Yên Định (Hải Hậu, Nam Định) coi việc xây dựng và phát triển văn hoá đọc là một trong những hoạt động trọng tâm nhằm rèn luyện năng lực tự học, đọc chủ động giúp học sinh phát triển và mở rộng kiến thức. Hoạt động đọc sách đã được triển khai ở tất cả các lớp một cách sâu rộng, cụ thể.

Đổi mới hoạt động thư viện gây hứng thú đọc sách cho trẻ  ảnh 1

Các em học sinh có thể đọc sách ở nhiều vị trí chứ không chỉ riêng trong thư viện trường

Bên cạnh đó, nhà trường còn vận động các tổ chức, đoàn thể và cha mẹ học sinh quyên góp, ủng hộ sách cho thư viện trường. Đến nay, trường có tổng số sách, tài liệu là 6.981 quyển, trong đó truyện đọc, sách báo dành cho học sinh là trên 3.500 quyển. Ngoài thư viện chung, nhà trường cũng đã khuyến khích các lớp xây dựng tủ sách nhỏ, thân thiện ngay trong lớp học.

Nhờ vậy, mỗi học sinh dễ dàng và chủ động lựa chọn thời gian đọc sách trong những lúc rảnh rỗi. Khuyến khích thực hiện xoay vòng tủ sách giữa các lớp để học sinh có cơ hội tiếp xúc với nhiều đầu sách hơn. Vì vậy, thư viện được trang bị khá nhiều sách và tư liệu phù hợp lứa tuổi, phong phú về nội dung.

Nhà trường kết hợp với giáo viên tạo không gian thư viện, nơi đọc sách thuận tiện thân thiện, mở rộng không gian đọc ở các vị trí khác nhau như đọc tại thư viện lớp, thư viện trường, ngoài sân trường… để học sinh có vị trí đọc sách thuận lợi nhất. Từ khi nhà trường phát động phong trào đọc sách, các em tham gia rất hào hứng. Để nâng cao chất lượng văn hóa đọc, các thầy cô còn hướng dẫn cho các em cách chọn lựa đầu sách hay, những cuốn sách bổ ích trang bị nhiều kiến thức cần thiết trong cuộc sống cũng như trong học tập.

Kết hợp giữa đọc - nói - nghe

Đổi mới hoạt động thư viện gây hứng thú đọc sách cho trẻ  ảnh 2

Cả cô và trò cùng nhau tăng cường thói quen đọc sách.

Cô Nguyễn Thị Chiên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Yên Định cho hay, toàn trường hiện có 22 lớp với 806 học sinh. Đây là trường có Thư viện tiên tiến đầu tiên của huyện Hải Hậu với diện tích 100m2. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã lên kế hoạch thực hiện dạy các tiết đọc thư viện theo thời lượng 1 tiết/tuần đối với các khối 1, 2, 3; riêng khối 4 và 5 dạy 1 tiết/2 tuần.

Các tiết đọc sách tại thư viện được tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau (Đọc to - nghe chung; cùng đọc; đọc cặp đôi, đọc cá nhân). Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên quan tâm, tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên môn về tiết đọc thư viện nhằm giúp giáo viên thực hiện thành thạo các bước lên lớp, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả tiết đọc thư viện.

Đổi mới hoạt động thư viện gây hứng thú đọc sách cho trẻ  ảnh 3

Nhờ những tác dụng của việc đọc sách, các em chính là những người lan tỏa ý nghĩa đó tới các bạn của mình.

Từ khi có thư viện, ngoài việc được đọc sách ở phòng thư viện, các em còn được mượn sách về nhà đọc, lên phòng thư viện đọc trong giờ ra chơi… Điều này tạo cho học sinh tính tự giác, thói quen đọc sách, từng bước hình thành văn hóa đọc, góp phần hỗ trợ cho các tiết học khác như Đọc, Luyện viết đoạn, Nói và nghe… Bởi vậy các em rất hào hứng khi đến với tiết đọc thư viện.

Không chỉ dừng lại ở việc đọc sách trong thư viện, được sự đồng thuận, hỗ trợ của cha mẹ học sinh và cộng đồng, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các sân chơi nhằm khuyến khích niềm đam mê đọc sách cho học sinh như cuộc thi Kể chuyện theo sách, vẽ tranh theo sách, Giới thiệu sách… Tổ chức “Ngày hội đọc sách”; Chuyên đề “Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường”… nhằm giúp các em trở thành người đọc độc lập, góp phần phát triển năng lực ngôn ngữ, khả năng giao tiếp cho học sinh.

Đổi mới hoạt động thư viện gây hứng thú đọc sách cho trẻ  ảnh 4
Nhà trường tuyên dương, phát thưởng cho học sinh tiêu biểu trong phong trào đọc sách.

Để khuyến khích học sinh đọc sách, nhà trường đã tổ chức tuyên dương, phát thưởng cho học sinh đọc được nhiều cuốn sách. Thay vì thưởng đồ dùng học tập, nhà trường chuyển sang thưởng sách, truyện cho học sinh đạt thành tích tốt trong các phong trào thi đua đọc sách ở trường, ở lớp.

Tất cả các hoạt động đọc sách đều mang lại niềm vui, sự sáng tạo, nuôi dưỡng sự thân thiện giữa thầy và trò, giữa lớp với lớp… Đọc sách giúp các em được tiếp thu những kiến thức mới, vừa được học, vừa được chơi, vừa được thư giãn sau những bài học căng thẳng ngay tại trường học. Đặc biệt việc đọc sách chủ động còn giúp các em phát triển một cách toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ về năng lực, phẩm chất, tâm hồn và nhân cách góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục của Chương trình GDPT 2018.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đổi mới hoạt động thư viện gây hứng thú đọc sách cho trẻ