Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá với HS tiểu học theo tinh thần Chương trình mới cần nghiêm túc tránh tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”.
Thầy Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) nhấn mạnh, cốt lõi của Chương trình GDPT 2018 là chuyển từ chú trọng kiến thức, kỹ năng sang phát triển năng lực, phẩm chất người học. Do đó, các trường cần thay đổi về kiểm tra, đánh giá học sinh. Đây là khâu quan trọng vì giúp định hướng, thẩm định lại kết quả hoạt động dạy - học của giáo viên, học sinh.
Liên hệ thực tế tại đơn vị, thầy Mạnh cho biết việc kiểm tra, đánh giá học sinh tập trung vào đo lường 5 phẩm chất và 10 năng lực (3 năng lực chung, 7 năng lực đặc thù) theo chương trình mới. Việc đánh giá học sinh qua các bài kiểm tra định kỳ, đánh giá thường xuyên sẽ căn cứ theo hướng dẫn tại Thông tư 27/2020 và Thông tư 22/2016 của Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, để đánh giá năng lực chung của học sinh cần được thực hiện thông qua các hoạt động giáo dục có thể tổ chức theo từng tháng. Ví dụ, hè này trường có hoạt động giáo dục “Tìm về ký ức, gửi lời tri ân” để kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Trước đó một tháng, nhà trường truyền thông tới phụ huynh để học sinh tự tìm tư liệu về nhân vật, sự kiện lịch sử thuyết trình, quay clip gửi lên nhóm lớp.
“Từ các hoạt động đó, thầy cô không chỉ kiểm tra kiến thức lịch sử, địa lý mà còn đánh giá được năng lực tự học, tìm kiếm tài liệu, khả năng giao tiếp của học sinh. Thực tế những năm qua, các em tự tin hơn rất nhiều và kiến thức được củng cố vững chắc. Qua đây phần nào huy động được sự vào cuộc từ phụ huynh học sinh hay chính quyền địa phương trong giáo dục trẻ”, thầy Mạnh nói.
Ngoài ra, nhà trường còn lồng ghép các hoạt động cho học sinh với nội dung giáo dục địa phương như thăm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, viếng nghĩa trang liệt sĩ. Việc này không tốn kém quá nhiều thời gian, công sức, cơ sở vật chất nhưng có tác dụng hướng tới giá trị giáo dục cho các em. Mùa Hè học sinh được rèn luyện thói quen tốt như đọc sách, tập luyện thể dục thể thao và có minh chứng cho nhà trường, đảm bảo thực chất, khách quan.
Theo cô Nguyễn Thị Kim Tuyến – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Hưng (huyện Hải Hậu, Nam Định), khi việc đánh giá thực hiện khách quan, giáo viên có thể sớm phát hiện ra học sinh gặp khó khăn trong học tập và kịp thời đưa ra biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Dựa trên kết quả đánh giá, giáo viên có thể điều chỉnh phương pháp dạy học sao cho phù hợp với từng nhóm, tạo điều kiện để các em phát triển tối đa khả năng. Việc đánh giá khách quan đảm bảo tất cả học trò được quan tâm và tạo điều kiện phát triển, tránh tình trạng những em học yếu bị bỏ rơi.
Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Hải Hưng thường xuyên tham gia, theo dõi và điều chỉnh các hoạt động đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng tiếp cận năng lực thông qua vai trò tổ chuyên môn. Cải tiến công tác thi đua trong nhà trường trên cơ sở đánh giá đúng và có chế độ khuyến khích, động viên kịp thời các hoạt động đổi mới theo tiếp cận năng lực có hiệu quả.
Cô Tuyến cũng cho hay, nếu phần thưởng được trao quá dễ dàng sẽ mất đi giá trị và không tạo được động lực cho học sinh. Đồng thời có thể khiến các em so sánh, gây ra tâm lý ganh tị. Khi bị kỳ vọng quá cao, học sinh có thể cảm thấy áp lực và lo lắng, dẫn đến hiệu quả học tập giảm sút.
“Với hơn 1.000 học sinh theo học, chúng tôi thực hiện nghiêm các văn bản hướng dẫn của các cấp về kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng thực chất. Nếu em nào chưa đạt yêu cầu về năng lực, học tập sau khi gia cố kiến thức và kiểm tra lại sẽ cho lưu ban. Có như vậy, kết quả học tập sẽ thực chất, tuyệt đối không chạy theo thành tích mà coi nhẹ chất lượng”, cô Tuyến khẳng định.
Với mục tiêu đánh giá vì sự tiến bộ giúp học sinh thấy mình thay đổi thế nào trên con đường học tập, cô Tạ Thị Vui - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, đánh giá phải làm sao để học sinh không cảm thấy sợ hãi, mất tự tin; thay vào đó thúc đẩy trẻ nỗ lực học tập hơn nữa.
Đối với việc đánh giá kết quả học tập của học sinh, cô Vui chỉ đạo giáo viên cần có sự kết hợp chặt chẽ việc phụ huynh đánh giá ở nhà, đối chiếu với kết quả trên lớp để thấy được sự tiến bộ của các em, từ đó có điều chỉnh về phương pháp giáo dục sao cho đồng nhất.
“Trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, tôi đã chỉ đạo giáo viên thực hiện bằng cách khi kiểm tra đánh giá thường xuyên trên lớp, thầy cô có thể viết lời nhận xét vào vở, yêu cầu phụ huynh xem và ký xác nhận hoặc phản hồi lại giáo viên. Những quy định này cần được thống nhất từ đầu năm học thông qua buổi họp phụ huynh”, cô Vui thông tin.
Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Canh cũng cho rằng, việc xây dựng các hình thức đánh giá đa dạng, phù hợp với từng môn học và đối tượng học sinh đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức chuyên môn và kỹ năng sư phạm tốt. Tương tự, công tác xây dựng một hệ thống đánh giá và khen thưởng hiệu quả đòi hỏi sự đồng thuận của các bên liên quan, từ giáo viên, nhà trường đến phụ huynh và học sinh.
Cô Tạ Thị Vui nhấn mạnh, kiểm tra, đánh giá học sinh khách quan, công bằng cũng như khen thưởng thực chất, đúng quy định là những yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục, tạo ra môi trường học tập lành mạnh cho học sinh.