Đổi môn học lựa chọn, nhà trường vào cuộc

02/07/2023, 11:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Với học sinh có mong muốn chuyển tổ hợp môn, nhà trường cùng giáo viên sẵn sàng tư vấn, bổ trợ kiến thức để các em vững tâm bước vào năm học mới.

Nắm bắt nguyện vọng, hỗ trợ học sinh

Kết thúc năm học 2022 - 2023, Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) có 5/475 học sinh lớp 10 mong muốn thay đổi tổ hợp môn. 5 em này đều có nguyện vọng chuyển từ tổ hợp Khoa học tự nhiên sang Khoa học xã hội.

Theo thầy Hiệu trưởng Lê Tấn Trọng, trong năm học vừa qua nhà trường đã phân công giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền, làm công tác tư tưởng cho học sinh về việc giữ ổn định tổ hợp môn. Bởi có em thấy bạn bè tính chuyển tổ hợp môn nên chạy theo “phong trào”.

Bên cạnh đó, một số phụ huynh giữ suy nghĩ nếu con học khối Khoa học tự nhiên sẽ có nhiều lựa chọn ngành nghề nên định hướng chuyển đổi tổ hợp. Tuy nhiên, gia đình không nắm bắt được khả năng học tập của con em mình nên dẫn đến việc thay đổi nhưng không phù hợp.

“Sau một năm học, việc chuyển tổ hợp môn dẫn đến khó khăn, vất vả cho học sinh cũng như giáo viên. Tuy nhiên, nhà trường và thầy, cô sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ để các em nâng cao kết quả học tập.

Do đó, ngoài việc tự bổ sung kiến thức, nhà trường sẽ phân công giáo viên có chuyên môn, tâm huyết gấp rút hỗ trợ thêm cho học sinh. Không những vậy, nhà trường còn tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng để bảo đảm học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới ở lớp 11”, thầy Trọng tâm sự.

Sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 vào cuối tháng 6, Trường THPT Trần Quốc Tuấn sẽ xem xét, rà soát lại tất cả học sinh có nguyện vọng chuyển tổ hợp môn. Từ đó phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và phụ huynh đánh giá lại năng lực của các em. Nếu nguyện vọng của học sinh phù hợp, đảm bảo điều kiện, nhà trường sẽ hướng dẫn, hỗ trợ và phân công giáo viên bổ trợ thêm kiến thức.

Để thuận lợi trong công tác dạy và học, ngay từ khi bước vào năm học, Sở GD&ĐT Gia Lai đã hướng dẫn các trường THPT về việc chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập. Theo đó, việc lựa chọn môn học, cụm chuyên đề học tập của học sinh cần giữ ổn định cho đến hết lớp 12. Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng thì việc chuyển đổi thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng.

“Học sinh có nguyện vọng và được nhà trường chấp thuận cho chuyển đổi môn lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phải có bản cam kết và có xác nhận của cha, mẹ về việc tự bổ sung kiến thức mới ở lớp học truớc đó. Từ đó, các em có đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập ở lớp học tiếp theo”, ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai nói.

Đổi môn học lựa chọn, nhà trường vào cuộc ảnh 1

Học sinh lớp 10 Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) tham gia một số hoạt động ngoại khoá.

Tư vấn để học sinh lựa chọn phù hợp

Cuối năm học 2022 - 2023, 2 học sinh của Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) có ý định chuyển đổi tổ hợp môn từ Khoa học tự nhiên sang Khoa học xã hội. Tuy nhiên, rà soát, nắm bắt năng lực học tập của học sinh nhà trường nhận thấy chưa phù hợp. Qua trao đổi với cha, mẹ học sinh, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm đã tư vấn, giải thích để các em có lựa chọn đúng.

Thầy Phan Hữu Đệ, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết, năm học 2022 - 2023, toàn trường có 227 học sinh lớp 10. Trong đó có 2 lớp với 72 học sinh theo học tổ hợp Khoa học tự nhiên, còn lại 155 em thuộc tổ hợp Khoa học xã hội. Sau khi kết thúc năm học, một số học sinh lớp 10 có ý định chuyển tổ hợp môn. Sau khi nắm được thông tin, nhà trường đã trao đổi nhằm nắm bắt tâm tư của học sinh khó khăn ở môn học nào, kiến thức nào. Từ đó có phương án tư vấn, hỗ trợ phù hợp.

“Qua nắm bắt tâm tư, một số học sinh học tổ hợp Khoa học tự nhiên mong muốn chuyển sang Khoa học xã hội. Thế nhưng sau khi rà soát học bạ, trao đổi với giáo viên thì thành tích học tập của các em ở tổ hợp đang theo học tương đối tốt. Nguyên nhân khiến trò muốn thay đổi tổ hợp là do các em tự ti vì lực học chênh lệch so với một số bạn trong lớp. Chính vì vậy nhà trường đã động viên, giải thích để học sinh hiểu. Từ đó đến nay, nhà trường chưa ghi nhận thêm trường hợp nào có ý định muốn chuyển cụm môn, tổ hợp môn trong năm học 2023 - 2024”, thầy Đệ cho hay.

Tương tự, tại Trường THPT Phan Bội Châu (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) chưa ghi nhận trường hợp học sinh có ý định thay đổi tổ hợp môn học.

“Từ nay đến đầu năm học 2023 - 2024, nếu có nguyện vọng chuyển đổi tổ hợp môn, các em sẽ được học bổ sung kiến thức. Trường hợp thời gian chuyển đổi cận kề năm học mới, nhà trường sẽ bố trí giáo viên hỗ trợ, củng cố kiến thức cho các em ngoài thời gian học chính khoá. Từ đó, giúp trò tự tin khi bước vào năm học mới và hoàn thành khối lượng kiến thức của tổ hợp môn chuyển đổi”, thầy Bùi Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu chia sẻ.

Theo ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai, nhà trường cần có giải pháp phù hợp để hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới. Đồng thời tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đổi môn học lựa chọn, nhà trường vào cuộc