“Hiện tôi có 4 máy cuộn rơm, 22 nhân công thu gom rơm trên các cánh đồng. Những cuộn rơm được bán ra thị trường với giá 40.000 đồng/cuộn. Sau khi thu gom, những cuộn rơm sẽ được phân phối ở các tỉnh phía Bắc. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi gia súc quy mô lớn có nhu cầu rơm làm thức ăn rất lớn. Thế nên chỉ sợ không có sức mà thu gom, chứ không lo ế", anh Văn Anh chia sẻ.
Theo anh Văn Anh, nghề thu gom rơm nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực chất rất vất vả. Bởi yêu cầu của khách hàng là rơm phải khô, vàng óng, không được ẩm ướt, mốc... Do đó, những người thu gom rơm bắt buộc phải ra đồng từ khi mặt trời đứng bóng cho đến 16h.
Nghề cuộn rơm hoạt động mạnh nhất vào sau vụ lúa Đông Xuân. Vì mùa này nắng gắt, rơm nhanh khô. Mặt đất ruộng nhờ đó không lầy lội và thuận lợi cho máy cuộn hoạt động.
Sau khi thu hoạch, rơm được phơi nắng trên cánh đồng từ 2 - 3 ngày cho khô hẳn mới có thể cuộn. Tuyệt đối không được thu gom rơm vào thời điểm cuối chiều hoặc sáng sớm, vì lúc này độ ẩm cao, rơm sẽ bị ẩm, không đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Rơm cuộn được đưa lên các xe tải lớn vận chuyển đi các tỉnh phía Bắc.
Từ phụ phẩm của cây lúa, giờ đây rơm được nhiều người mua như một thứ hàng hóa. Bên cạnh việc tăng thu nhập cho nông dân, nghề thu mua rơm còn góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động; đồng thời hạn chế được tình trạng khói tro do đốt rơm rạ ngoài đồng.