Tôi kéo vào bờ cho gia đình đưa thi thể về an táng. Lần khác thì nạn nhân là một thanh niên đi tắm sông bị chết đuối, nhận được điện thoại cầu cứu, tôi vội chạy ra hiện trường, vụ này gần bờ nên tôi chỉ cần lặn xuống mò, chứ không phải dùng móc câu như các vụ khác. Đúng 10 phút tôi vớt được thi thể nạn nhân lên, đưa vào bờ cho gia đình mang về”, ông Chít kể.
Thế nhưng nghề vớt xác không chỉ đơn giản như thế, trong nhiều năm làm nghề, không ít lần ông Chít phải xa nhà và đối mặt với những khó khăn, sợ hãi. Cũng có đôi lần ông bất lực trong việc tìm kiếm.
Kể về chuyến đi Nam Định năm 2004 ông Chít nói: “Lần đấy, nạn nhân là một phụ nữ trung tuổi. Cô ấy nhảy sông do mâu thuẫn với chồng. Trước khi nhờ tôi, gia đình họ đã thuê nhiều người tìm kiếm trong suốt mấy ngày nhưng đều thất bại. Ca này tôi đã bơi thuyền tìm kiếm trong suốt mấy ngày liền, phải đến ngày thứ 4 mới thấy. Do xác chết lâu ngày đang phân hủy mạnh chỉ cần chạm vào là thân thể bong tả tơi nên phải thật nhẹ nhàng. Tôi đã phải cởi áo của mình ra bọc vào xác rồi ôm bơi vào bờ cho gia đình đưa về khâm liệm”.
Không phải trường hợp đuối nước hoặc tự tử nào ông Chít cũng vớt được toàn thây. Có những thi thể khi dùng móc quăng, mới chỉ động vào đã tan ra vì phân hủy. Trong những trường hợp như thế, ông Chít bảo “thôi thì vớt được bộ phận nào thì hay bộ phận đó. Có lần vớt được mỗi cái tay, có lần thì được cái chân, phải rà đi rà lại nhiều lần mới lên hết được”.
Khi được hỏi về mỗi lần vớt xác được bao nhiêu tiền, ông Chít xua tay: “Tôi sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá, việc câu xác chỉ là làm phúc đức. Gia đình hậu tạ bao nhiêu thì tôi cầm thôi chứ không quan trọng”, ông Chít nói.
Nhiều năm qua, không ít lần ông Chít mất ngủ vì những thi thể mà ông đã vớt. Thi thoảng, những hình ảnh đấy cứ hiện lên trong đầu, rõ từng khuôn mặt. Thế nhưng, ông không thấy sợ hãi, bởi cho rằng ông đã cứu họ lên khỏi mặt nước, chắc chắn họ sẽ chẳng làm hại ông.
Hầu hết những người kiếm cơm bằng nghề sông nước đều rất kỵ chuyện vớt xác. Theo quan niệm của họ, làm việc đó chính là cướp mất “miếng ăn” của Hà Bá nên rất có thể sẽ phải chịu sự trừng phạt. Nhưng ông Chít không nghĩ thế, trong thâm tâm, ông luôn tin rằng vớt thi thể người chết đuối chính là làm phúc, đã làm phúc thì chẳng Hà Bá nào trừng phạt.
“Hồi còn bé tôi thường nghe người lớn tuổi trong làng nói, mình sống trên sông thì không được cứu, vớt người đuối nước vì làm như thế sẽ bị Hà Bá trừng phạt. Nhưng với tôi, biết người ta gặp nạn mà không ra tay cứu giúp thấy ân hận lắm. Cứu được một mạng người bằng xây mười tòa tháp.
Con người ta sinh ra, sống chết đều có số cả. Tôi cũng quan niệm về chuyện sông có “Hà Bá”. Vì thế, để tránh những tai ương cho gia đình sau này, mỗi lần vớt được một xác chết hay cứu sống một mạng người là tôi lại làm lễ. Lễ lạt đơn giản, một hình người (bằng giấy) đem đốt trên sông, một ít hoa quả và tiền, vàng mã. Những thứ này gia chủ phải chuẩn bị, do tôi làm lễ”, ông Chít nói.
Gần Tết năm ngoái, vợ ông Chít lâm trọng bệnh rồi qua đời. Những tưởng sau khi vợ qua đời thì ông cũng sẽ “rửa tay gác kiếm”. Thế nhưng, ở độ tuổi thất thập, ông vẫn chưa nghĩ đến chuyện giải nghệ vì không nỡ.
“Việc này không phải ai cũng dám làm, chỉ mình mới giúp được thôi. Nhìn người ta nước mắt ngắn dài, khóc lóc, đến tận nhà cầu xin, không giúp thì áy náy vô cùng…”, ông Chít nói.