Đón Tết cùng trò vùng cao

08/02/2024, 06:36
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mong muốn học sinh vùng cao có cái Tết đủ đầy, phấn khởi, các thầy, cô giáo đã chủ động lo Tết cho các em.

“Những phần quà, nhu yếu phẩm nhà trường thường xuyên trao tặng học sinh khó khăn. Tuy nhiên, đó chỉ là hỗ trợ trước mắt còn lâu dài chúng tôi hy vọng các em đều có Bảo hiểm y tế để thuận lợi khám chữa bệnh mỗi lúc ốm đau. Khi đó, gia đình sẽ giảm bớt gánh nặng kinh tế”, cô Thủy tâm sự.

Ông Thái Khắc Hòa - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum cho biết, dịp Tết đến Xuân về, ngành Giáo dục luôn quan tâm, chăm lo để học sinh hoàn cảnh khó khăn có cái Tết đủ đầy, vui vẻ hơn bên gia đình. Các trường nắm bắt tình hình, hoàn cảnh từng học sinh để hỗ trợ gạo, mắm muối, mì tôm và kinh phí…

Tết Nguyên đán 2024, phòng GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường rà soát học sinh thuộc gia đình khó khăn để có giải pháp hỗ trợ. Tùy vào điều kiện từng trường sẽ có hình thức khác nhau nhưng đảm bảo thiết thực.

“Phòng GD&ĐT đã kêu gọi được hơn 50 triệu đồng để trao tặng học sinh diện hộ nghèo, khó khăn… trước Tết Nguyên đán. Thời gian tới, đơn vị hy vọng có nhiều hơn nhà hảo tâm cùng chung tay hỗ trợ học trò”, ông Hòa tâm sự.

Tương tự, Trường PTDTBT Tiểu học Trần Văn Thọ (huyện Mường Nhé, Điện Biên) thay vì tổ chức Tết cho học sinh, nhà trường có những món quà động viên các em khi về nhà ăn Tết.

“Trường đông học sinh dân tộc thiểu số nên tập tục ăn Tết không giống nhau và khác thời điểm. Thay vì tổ chức Tết, nhà trường trao quà cho các em mang về nhà. Điều này cũng khiến phụ huynh, gia đình phấn khởi”, thầy Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi.

Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Kon Tum) tặng quà, Bảo hiểm y tế cho học sinh trường khó khăn nhân dịp Tết đến Xuân về. Ảnh: Dung Nguyễn
Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Kon Tum) tặng quà, Bảo hiểm y tế cho học sinh trường khó khăn nhân dịp Tết đến Xuân về. Ảnh: Dung Nguyễn

Trò vùng cao vui Tết sớm

Giữa sân trường Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Nam Giang (huyện Nam Giang, Quảng Nam) lửa đã bắt đầu bập bùng, soi rõ từng khuôn mặt háo hức của học sinh mùa lễ hội Mừng lúa mới. Sau màn đốt lửa, cồng chiêng bắt đầu rộn ràng, âm vang cả một vùng. Những bước chân của học sinh say mê theo vũ điệu tân tung, da dá.

Bên cạnh tái hiện nghi thức cúng thần linh lúa mới, học sinh các lớp có một ngày hội sôi động và giàu bản sắc văn hóa của dân tộc khi trình diễn những điệu múa đầy mê say.

Em A Viết Bảo Việt, học sinh lớp 9/2 chia sẻ: “Em thấy vui và tự hào khi đánh được cồng chiêng như các bác ở làng, thể hiện những nét đẹp trong lời ca, điệu múa dân tộc Cơ tu. Cùng tập luyện biểu diễn, chúng em có cơ hội hiểu, gần nhau hơn, tăng thêm tình đoàn kết. Quen hát bài hát hiện hành, giờ tập lại dân ca dân tộc mình, lúc đầu em thấy khó nhưng qua vài buổi thì quen dần và thích những lời ca lên bổng xuống trầm như lời ru của mẹ khi thơ bé”.

Để chuẩn bị chu đáo cho Ngày hội cồng chiêng, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã mở lớp học múa cồng chiêng. Mục tiêu của nhà trường, được thầy Bùi Ngọc Luận cho biết là học sinh nữ ít nhất múa 4 điệu cồng chiêng căn bản, học sinh nam có thể đánh được cồng chiêng.

“Hiện các thiết chế văn hóa của đồng bào vùng cao Nam Trà My có dấu hiệu mai một, phần lớn giới trẻ không mặn mà với văn hóa cha ông. Vì vậy, nhà trường đã mời hai nghệ nhân múa cồng chiêng đến hướng dẫn trực tiếp cho các em. Chỉ sau một tháng, mỗi lớp có thể biểu diễn một số điệu múa cơ bản để tham gia lễ hội cồng chiêng”, thầy Luận thông tin.

Những ngày giáp Tết, các điểm trường lẻ của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) thêm rộn ràng. Giáo viên điểm lẻ tập cho học sinh thuộc nhuần nhuyễn từng điệu múa, chuẩn bị chu đáo áo quần mới, giày dép. Học sinh nữ có nơ cài cho thêm phần xinh xắn. Tùy thuộc nguồn vận động của giáo viên, có điểm trường lẻ, mỗi học sinh được tặng một bộ áo dài truyền thống. Náo nức, hồi hộp chuẩn bị gần một tuần lễ, cô và trò điểm lẻ sẽ cùng nhau xuống điểm trường chính để “so tài” trong lễ hội vào xuân được tổ chức quy mô toàn trường.

Chia sẻ của thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập: “Ngày hội văn hóa dân gian được tổ chức trước Tết Nguyên đán là sự kiện sinh hoạt tập thể lớn của cả trường để học sinh có cơ hội làm quen dần môi trường học tập ở điểm trường chính. Các em sẽ bớt đi sự rụt rè, háo hức với không gian học tập mới, rộng lớn, đầy đủ hơn so với điểm trường ở thôn nóc. Đây cũng là cơ hội để thầy cô giáo tại các điểm trường thôn đánh giá lại hiệu quả tổ chức hoạt động trải nghiệm trước đó cho học sinh, từ đó có điều chỉnh hợp lý”.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam đang tất bật chuẩn bị tổ chức Lễ hội Tết mùa cho học sinh. Với hơn 90% học sinh người Xơ Đăng, nhà trường chú trọng tổ chức nhiều hoạt động nhằm lồng ghép giáo dục văn hóa bản địa.

“Để có thể tái hiện một phần không gian văn hóa bản địa, nhà trường đã mời phụ huynh, nghệ nhân, các bậc cao niên am hiểu làn điệu dân ca, điệu múa truyền thống, trò chơi dân gian trên địa bàn xã truyền đạt, hướng dẫn cho học sinh. Chúng tôi mong từ sân chơi này sẽ nuôi dưỡng, duy trì trong học sinh niềm tự hào vẻ đẹp văn hóa dân tộc, sau đó có ý thức gìn giữ, phát huy và bảo vệ”, thầy Hiệu trưởng Võ Đăng Chín nói.

Năm nào chuẩn bị về nghỉ Tết cũng được thầy cô tặng quà, em Sùng Thị Ly Na - học sinh lớp 5A1, Trường PTDTBT Tiểu học Trần Văn Thọ chia sẻ: “Em thấy rất vui khi được thầy cô quan tâm. Những món quà đó cần thiết không chỉ với em mà còn cả gia đình .

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/don-tet-cung-tro-vung-cao-post670428.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/don-tet-cung-tro-vung-cao-post670428.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đón Tết cùng trò vùng cao