Dồn tổng lực cho đường Vành đai 4 TP HCM

24/02/2024, 12:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

TP HCM cùng các địa phương khẩn trương rà soát quy hoạch, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hoàn tất thủ tục kịp trình Quốc hội để khởi công đường Vành đai 4 TP HCM trong năm 2025

HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, trong đó bố trí kế hoạch vốn 1.600 tỉ đồng kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng.

Qua xem xét và rà soát các phương án, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, có ý kiến đối với các nội dung, đề xuất thực hiện đầu tư dự án giai đoạn 1 đường Vành đai 4 đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu. Về phương án tài chính, lựa chọn hình thức đầu tư PPP thời gian hoàn vốn 23 năm, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 8.100 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm hơn 44%, còn lại vốn nhà đầu tư.

Về chi phí đầu tư cầu giáp nối giữa 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai sẽ được tính vào chi phí đầu tư của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai chỉ chi chi phí giải phóng mặt bằng 1/2 cầu phía bên địa phận tỉnh Đồng Nai.

Kiến nghị cơ chế đặc thù

Để bảo đảm khả thi và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Vành đai 4, đại diện Sở GTVT TP HCM đề xuất cần có cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho dự án được Quốc hội thông qua. Cụ thể, UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác để đầu tư; được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện đầu tư công của dự án qua hai địa phương.

Ngoài ra, ngân sách Trung ương hỗ trợ 50% tổng vốn ngân sách tham gia cho TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Riêng Long An hỗ trợ 70% nguồn vốn. Về trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định, quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự dự án nhóm A về đầu tư công và có cơ chế khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường...

Mạnh dạn giao quyền tự chủ

Nhận định về dự án này, TS Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và Môi trường TP HCM - cho rằng đây là dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ và các địa phương. Dự án này rất dài, đi qua 5 địa phương, do đó để bảo đảm triển khai đồng bộ, đúng tiến độ, Trung ương cần có chính sách, cơ chế đặc thù cho các địa phương.

Về vốn, Trung ương căn cứ theo tình hình ngân sách các địa phương để có mức hỗ trợ hợp lý. Mạnh dạn giao quyền tự chủ tự quyết cho TP HCM và các tỉnh giải quyết các vấn đề liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, công tác thiết kế cơ sở cũng giao các địa phương chủ động để phù hợp địa hình, địa mạo như đề xuất của TP HCM là làm cầu cạn thay cho nền hạ nhằm tránh tình trạng thiếu vật liệu xây dựng cũng như phù hợp biến đổi khí hậu.

Để đẩy nhanh tiến độ, các địa phương nên giao thầu EPC (hợp đồng tổng thầu) để các tập đoàn, tổng công ty chủ lực làm từ khâu thiết kế đến thi công. Có tổng thầu chịu trách nhiệm chính, cơ quan quản lý nhà nước sẽ giảm được nhân lực và chi phí quản lý, có thời gian tập trung nghiên cứu các dự án có quy mô lớn, yêu cầu cao về kỹ thuật, sử dụng công nghệ mới.

Theo Người Lao Động
https://nld.com.vn/don-tong-luc-cho-duong-vanh-dai-4-tp-hcm-196240223213157095.htm
Copy Link
https://nld.com.vn/don-tong-luc-cho-duong-vanh-dai-4-tp-hcm-196240223213157095.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dồn tổng lực cho đường Vành đai 4 TP HCM