Đồng bằng sông Cửu Long nhận 'quả ngọt' từ đầu tư xứng tầm

16/03/2024, 18:14
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đầu tư GD mũi nhọn, đặc biệt đào tạo học sinh giỏi được các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long quan tâm. Điều đó đã mang lại những “quả ngọt”.

Chú trọng tạo nguồn

Kỳ thi học sinh giỏi THPT cấp quốc gia năm 2024, tỉnh Tiền Giang đoạt 46 giải, xếp hạng nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Để có kết quả đáng khích lệ, mỗi năm học, sở GD&ĐT tổ chức 2 kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh (THCS và THPT); kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi dự thi quốc gia cấp THPT. Đồng thời, tỉnh chọn học sinh giỏi tham dự một số cuộc thi: Olympic Tiếng Anh; Giải Toán trên máy tính cầm tay…

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Tiền Giang, phát hiện là khâu quan trọng trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, nhưng việc tìm kiếm nguồn học sinh giỏi không đơn giản. Do đó, mỗi năm học, ngành Giáo dục tỉnh chỉ đạo phòng GD&ĐT các địa phương, đơn vị trực thuộc triển khai công tác bồi dưỡng, trong đó chú ý phân loại, phát hiện và chọn học sinh giỏi từ những lớp đầu cấp THCS, THPT.

Một trong những phương pháp được các trường áp dụng là tổ chức cuộc thi cấp trường để tuyển chọn nguồn cho đội tuyển học sinh giỏi, như: Thi học sinh giỏi văn hóa các môn học, giải Toán qua mạng Internet, giải Toán trên máy tính cầm tay, thi Olympic Tiếng Anh trên Internet…

Trường THPT chuyên Tiền Giang - đơn vị nòng cốt trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi. Ngay sau học kỳ I năm lớp 10, trường đã định hướng, phân loại, tổ chức tuyển chọn đội học sinh giỏi ở các môn học qua kỳ thi cấp trường. Những em được chọn vào đội tuyển ở các môn học, bên cạnh công tác ôn luyện, liên tục được khảo sát, đánh giá chất lượng và tiếp tục sàng lọc ở những năm học tiếp theo.

Theo lãnh đạo nhà trường, tùy đặc trưng từng môn học mà có yêu cầu khác nhau trong việc chọn học sinh giỏi. Tuy nhiên, việc tuyển chọn sẽ tập trung vào một số yếu tố như học sinh phải có sự yêu thích môn học; chữ nghĩa rõ ràng, sạch đẹp; có tư duy tốt, chuyên cần học tập và đặc biệt có ý thức tự giác, cần cù, ham học hỏi.

Thầy Nguyễn Phúc Viễn - Hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo (Chợ Gạo, Tiền Giang) cho biết: Những năm qua, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi các môn văn hóa của trường được ngành đánh giá cao. Theo thầy Viễn, thi cử là để đánh giá năng lực học sinh; tuy nhiên, trong công tác tìm nguồn bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo viên không cứng nhắc với kết quả kiểm tra đánh giá, mà còn căn cứ vào năng lực sáng tạo của trò.

Trong quá trình giảng dạy, kiểm tra, đánh giá hoặc thảo luận trên lớp, giáo viên sẽ đánh giá được học sinh nào có năng lực sáng tạo nổi trội để theo sát, kèm cặp. Trong lớp, học sinh phải học nhiều môn, nên giáo viên phụ trách đội tuyển học sinh giỏi cần hướng dẫn, động viên, khuyến khích, bố trí thời gian khoa học và đầu tư công sức giảng dạy để đạt hiệu quả nhất...

Trao đổi về công tác bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi, ông Lê Quang Trí - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết: Ngành luôn duy trì kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh. Kỳ thi nhằm tạo động lực cho các trường phát hiện, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu, tố chất, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Để nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, tỉnh tuyển chọn và thành lập các tổ bộ môn, mỗi tổ khoảng 20 giáo viên thực hiện công tác bồi dưỡng; xây dựng quy chế bồi dưỡng, khen thưởng cho các em tham gia thi học sinh giỏi. Riêng giáo viên Trường THPT chuyên Tiền Giang phải phát huy năng lực, tăng cường học hỏi, tự bồi dưỡng và thể hiện được vai trò “đầu tàu” trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.

Lãnh đạo UBND và Hội Khuyến học TP Cần Thơ khen thưởng học sinh đoạt giải Kỳ thi học sinh giỏi THPT cấp quốc gia năm 2024. Ảnh: Q. Ngữ
Lãnh đạo UBND và Hội Khuyến học TP Cần Thơ khen thưởng học sinh đoạt giải Kỳ thi học sinh giỏi THPT cấp quốc gia năm 2024. Ảnh: Q. Ngữ

Bước chuẩn bị lâu dài

Nhiều năm qua, TP Cần Thơ là địa phương dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long về số lượng học sinh đoạt giải cao trong kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp quốc gia.

Để chuẩn bị nguồn học sinh giỏi, từ đầu năm học, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ chỉ đạo các trường THPT, nhất là Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng tập trung xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng các đội tuyển. Sở GD&ĐT tổ chức thi để tuyển chọn đội tuyển học sinh giỏi dự thi cấp quốc gia.

Trong hơn 30 nghìn học sinh, có gần 300 học sinh ưu tú, xuất sắc tham gia thi tuyển chọn và chọn được 60 học sinh xuất sắc nhất để tiếp tục bồi dưỡng tham gia kỳ thi cấp quốc gia. Đồng thời huy động 41 giáo viên có năng lực chuyên môn tốt tham gia bồi dưỡng các đội tuyển. Từ sự chuẩn bị chu đáo này, kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp quốc gia năm học 2023 - 2024, học sinh TP Cần Thơ đã đoạt 30 giải (trong đó 7 giải Nhì, 11 giải Ba và 12 giải Khuyến khích); nhiều hơn 5 giải so với năm trước.

Góp phần quan trọng làm nên thành tích là nỗ lực của học sinh và công tác tạo nguồn, chăm bồi kiến thức của tập thể thầy, cô giáo, ban giám hiệu các trường phổ thông. Trong quá trình giảng dạy, thầy cô luôn khuyến khích học sinh có năng lực và năng khiếu tham gia đội tuyển bồi dưỡng và thi kỳ thi học sinh giỏi cấp quận, huyện, thành phố. Qua các lần thi, các em được cọ xát, làm quen và phát triển niềm đam mê với môn học.

Do tính chất của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đề thi chuyên sâu, khó, cần sự tư duy, logic cao, nên ngành GD-ĐT TP Cần Thơ khuyến khích học sinh có năng lực và năng khiếu ở cấp THCS thi vào Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng. Giáo viên trường chuyên đảm nhiệm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cũng thường xuyên cập nhật và nâng cao chuyên môn. Bởi công tác bồi dưỡng học sinh giỏi khá đặc thù, do không có cấu trúc đề thi, chương trình cụ thể, từng giáo viên tự nghiên cứu, tìm tài liệu và bài thi các năm trước để giới thiệu, hướng dẫn học sinh từng bước nâng cao kiến thức và kỹ năng.

Qua thống kê của Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ), 5 năm học qua, mỗi năm học sinh nhà trường đoạt từ 24 - 30 giải học sinh giỏi cấp quốc gia. Theo thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thế Chiến, học sinh nhà trường đạt được nhiều thành tích cao trong kỳ thi là kết quả quá trình chuẩn bị, nỗ lực lâu dài từ sự bồi dưỡng, giáo dục của thầy cô, nỗ lực học sinh; nhất là sự quan tâm lãnh đạo của ngành GD-ĐT thành phố…

Bài liên quan
Loại quả ngọt mát hạ nhiệt mùa hè rất nhạy, lại bổ máu, bổ xương, nhưng người đường huyết cao nên hạn chế
Đây là loại quả được nhiều người ưa chuộng, nhất là trong các món ăn giải nhiệt mùa hè.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồng bằng sông Cửu Long nhận 'quả ngọt' từ đầu tư xứng tầm