Đồng bằng sông Cửu Long sắp xếp lại trường lớp thế nào?

15/11/2023, 07:48
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sắp xếp trường lớp được các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long triển khai đồng bộ, nhằm tăng cường đầu tư và bố trí lại đội ngũ.

Sau sắp xếp trường lớp, nhiều khó khăn dần được tháo gỡ.

Giải bài toán thiếu giáo viên

Tỉnh Sóc Trăng đang tập trung triển khai giải pháp quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống trường lớp. Tính đến cuối năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 479 trường, hơn 8 nghìn lớp từ mầm non đến phổ thông với 447 điểm lẻ. Theo đại diện sở GD&ĐT, tỉnh đang thực hiện kế hoạch sắp xếp mạng lưới trường lớp mầm non, phổ thông công lập phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế địa phương. Dự kiến, cuối năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh còn 478 trường mầm non và phổ thông.

Ông Châu Tuấn Hồng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng cho biết: Năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục tiếp tục sắp xếp quy mô trường lớp hợp lý, gắn với nâng cao chất lượng giáo dục.

Quy hoạch mạng lưới trường, lớp mầm non, phổ thông phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của học sinh theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, xã hội hóa và hội nhập. Đồng thời, tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục gắn với xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Tuy nhiên, tình trạng thừa, thiếu giáo viên đặt ra thách thức đối với ngành Giáo dục Sóc Trăng trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đặc biệt khi thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đầu năm học 2023 - 2024, cấp mầm non thiếu trên 600 giáo viên, tiểu học thiếu 402, THCS thiếu 38 người. Đối với các đơn vị do sở GD&ĐT quản lý, số giáo viên so với định mức thiếu 283 người…

Giải pháp được địa phương triển khai bước đầu phát huy tác dụng là linh hoạt điều chuyển giáo viên, sắp xếp lại trường lớp. Đơn cử tại huyện Long Phú, cấp THCS có tình trạng thừa, thiếu cục bộ do một số trường quy mô nhỏ, số lớp ít nhưng vẫn cần giáo viên đủ bộ môn giảng dạy. Phòng GD&ĐT huyện đã rà soát các đơn vị thừa giáo viên để sắp xếp, điều chuyển về nơi thiếu. Các trường cũng quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, điểm lẻ để đáp ứng nhu cầu giảng dạy.

Sóc Trăng còn một số điểm trường tiểu học vùng sâu xa, việc thiếu giáo viên tiếng Anh, Tin học để phân công giảng dạy là bài toán khó. Đơn cử, Trường Tiểu học 4, phường 2 (thị xã Vĩnh Châu) có trên 800 học sinh, với 28 lớp. So với định mức, trường thiếu 6 giáo viên, chủ yếu dạy môn Tiếng Anh, Tin học…

Theo bà Phạm Thị Cẩm Tú - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Vĩnh Châu, để triển khai Chương trình GDPT 2018, phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường chủ động dự báo đội ngũ, đồng thời tham mưu UBND thị xã trong việc rà soát, điều chỉnh, sắp xếp trường lớp và nhà giáo.

Theo ông Châu Tuấn Hồng, ngành Giáo dục tỉnh triển khai thu gọn điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Từ đó chủ động linh hoạt trong việc bố trí, sử dụng chỉ tiêu biên chế hiện có, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên khi thay đổi quy mô học sinh giữa các năm học...

Sáp nhập Trường THCS Lê Hoàng Thá và Trường THPT Tân Bằng thành Trường THCS - THPT Tân Bằng (Thới Bình, Cà Mau). Ảnh: N.Hân
Sáp nhập Trường THCS Lê Hoàng Thá và Trường THPT Tân Bằng thành Trường THCS - THPT Tân Bằng (Thới Bình, Cà Mau). Ảnh: N.Hân

Tập trung nguồn lực đầu tư

Sau 3 năm thực hiện Đề án sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh Cà Mau (2020 - 2023), hệ thống trường lớp có nhiều chuyển biến. Toàn tỉnh xóa 67 điểm trường lẻ, học nhờ từ cấp mầm non đến phổ thông. Trong đó, xóa 43 điểm học nhờ, 1 điểm lẻ mầm non; xóa 22 điểm trường tiểu học, 1 điểm lẻ trường THCS; cấp THPT đã ghép 2 điểm trường.

Sau khi sắp xếp, cơ sở vật chất các điểm trường chính được đầu tư kiên cố, khang trang; thiết bị dạy và học trang bị đầy đủ, hiện đại. Toàn tỉnh hiện có trên 6 nghìn phòng học, trong đó phòng học kiên cố, chiếm tỷ lệ 66,61%; bán kiên cố 33,38%.

Đặc biệt, sau 3 năm sắp xếp mạng lưới trường học, đội ngũ giáo viên cấp tiểu học ở tỉnh Cà Mau giảm mạnh, cán bộ quản lý giảm 14 người, giáo viên giảm 448 người, nhân viên giảm 111 người. Cấp THCS cán bộ quản lý giảm 28 người, giáo viên giảm 448 người, nhân viên giảm 111 người. Trong khi đó, giáo dục mầm non giáo viên tăng 116, nhân viên tăng 268; với THPT, cán bộ quản lý tăng 3 người, giáo viên tăng 63 người.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Cà Mau, điều kiện cơ sở vật chất trường học còn thiếu, tình trạng phòng học mượn, nhờ ở các trường dạy 2 buổi chưa giải quyết dứt điểm. Nhiều nhất là khối mầm non còn 139 phòng học mượn, nhờ; kế đến là tiểu học 17 phòng.

Theo ông Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, hầu hết địa phương khi thực hiện đề án quy hoạch dồn điểm trường lẻ về điểm trường chính đã khảo sát tình hình thực tế cơ sở vật chất nhà trường. Tại các địa phương, phần lớn trường dạy 2 buổi/ngày thiếu phòng học.

Phòng bán trú chưa đảm bảo diện tích tối thiểu, chủ yếu là nhà bán kiên cố hoặc nhà cấp 4 được xây dựng từ lâu, nay đã hư hỏng và xuống cấp; thiếu các điều kiện tối thiểu như giường ngủ, công trình vệ sinh, nhà bếp, phòng ăn học sinh...

Tỉnh đang tập trung giải pháp giảm dần điểm trường lẻ. Ưu tiên xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng đạt chuẩn, tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học. Đồng thời, các địa phương tạo quỹ đất cho giáo dục để mở rộng trường, lớp…

Trao đổi về công tác sắp xếp mạng lưới trường lớp, ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học là vấn đề quan trọng trong công tác giáo dục của tỉnh. Dù xóa hay ghép các điểm trường, cần tư duy mở, không nên khuôn khổ. Đi cùng với sắp xếp hài hòa trường lớp cần đẩy mạnh phát triển giáo dục; từng trường học, địa phương thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồng bằng sông Cửu Long sắp xếp lại trường lớp thế nào?