Đánh giá trong GD-ĐT, vùng Đồng bằng sông Hồng là dẫn đầu cả nước với nhiều kết quả tích cực, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đưa ra minh chứng cụ thể, trong đó có 2 con số nhận diện, đó là: kết quả thi tốt nghiệp THPT (chất lượng đào tạo đại trà) và kết quả thi học sinh giỏi quốc gia (đào tạo mũi nhọn) luôn chiếm ưu thế trong top 10 cả nước.
Một số thách thức GD-ĐT Vùng đang đối mặt cũng được GS.TS Nguyễn Văn Minh chỉ ra. Trong đó có việc, dù tập trung hầu hết cơ sở giáo dục ĐH lớn, nhưng chưa có một “Hội nghị Diên Hồng” để xác định trọng trách, sự kết nối đa chiều trong đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho Vùng.
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phát biểu tại hội nghị. |
Rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trên địa bàn nhưng chưa có kết nối chặt chẽ giữa đào tạo, sử dụng, sự liên thông, hướng nghiệp trong đào tạo các ngành nghề. Rất nhiều trường phổ thông ở các tỉnh/thành đạt “trường chuẩn”, có kết quả tốt, nhưng chưa có các hình mẫu điển hình, nhất là trong thời kỳ triển khai Chương trình GDPT 2018. Rất nhiều khu công nghiệp ra đời, nhưng kèm theo đó là sự dịch chuyển cơ học về dân số, đặt ra yêu cầu về trường lớp, không gian hoạt động, đời sống văn hóa, tinh thần đang gặp không ít khó khăn, rộng hơn là dân trí, giáo dục môi trường.
“Các vấn đề trên phải được giải quyết khi có nguồn nhân lực, tức là thông qua GD-ĐT”. GS.TS Nguyễn Văn Minh khẳng định và đề xuất, các hội nghị xúc tiến đầu tư, quy hoạch hệ thống nên có sự tham gia của các cơ sở đào tạo. Cùng với đó, lãnh đạo các địa phương như là đầu mối giúp kết nối giữa các tập đoàn, doanh nghiệp với hệ thống đào tạo. Cần có dự báo về dịch chuyển dân cư khi các cơ sở sản xuất ra đời; ngoài chỗ ở còn chuẩn bị hệ thống trường lớp, đội ngũ cho con em người lao động. Ngoài ra, đây là vùng ưu tiên cho công nghệ cao, cho đổi mới sáng tạo, nên cần có dự báo về yêu cầu nhân lực và các cơ sở đào tạo sớm vào cuộc.
GS.TS Nguyễn Văn Minh cũng cho rằng cần tập trung xây dựng các mô hình giáo dục phổ thông bắt kịp với khu vực. Trong đó, ngoài chất lượng mũi nhọn, cần tính đến phân luồng, hướng nghiệp, nhằm vào nhân lực có chất lượng đáp ứng cho công nghệ cao; giảm thiểu cung ứng lao động phổ thông thuần túy. Đồng thời, bảo đảm đội ngũ về số lượng, cơ cấu, nhất là đội ngũ đáp ứng triển khai Chương trình GDPT 2018; bảo đảm thu nhập giáo viên tương ứng với thu nhập Vùng…
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội phát biểu tại hội nghị. |
Để góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh khu vực Đồng bằng sông Hồng, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội nhắc đến giải pháp liên kết Mạng lưới các trường ĐH công nghệ kỹ thuật và hợp tác doanh nghiệp chặt chẽ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao kịp thời đáp ứng nhu cầu các tỉnh trong vùng với triết lý “sinh viên cần được đào tạo trong lòng doanh nghiệp”.
“ĐH Bách khoa Hà Nội đề xuất tập trung đổi mới chương trình đào tạo và thu hút các sinh viên giỏi, cho những ngành mũi nhọn, chuyên sâu. Xây dựng Trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0 theo mô hình ĐH số chia sẻ nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu nhân lực vùng Đồng bằng sông Hồng. Triết lý là đổi mới đào tạo những ngành công nghệ cao 4.0 theo nhu cầu của vùng”, PGS Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ.
Theo đó, hợp tác doanh nghiệp trong đào tạo ngắn hạn theo đặt hàng; đào tạo liên kết nhà trường - doanh nghiệp; triển khai mạnh mẽ mô hình Học kỳ doanh nghiệp (thuộc chương trình đào tạo cử nhân hoặc kỹ sư) người học thực hiện thực tập trực tiếp tại các công ty, nhà máy.
Đồng thời, tập trung đào tạo những ngành công nghệ cao theo định hướng phát triển các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng theo mô hình Trung tâm đào tạo xuất sắc.
Giải pháp tiếp theo, theo Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội là đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên. Cụ thể, thúc đẩy các hoạt động để phát triển Hệ sinh thái nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho Mạng lưới các trường ĐH công nghệ kỹ thuật, trong đó đặc biệt quan trọng là sự kết hợp với các chuyên gia công nghệ ở các doanh nghiệp. Xây dựng các Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sinh viên để thúc đẩy, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sinh viên, gắn với các nhu cầu công nghệ, khoa học kỹ thuật và phát triển các sản phẩm ở các tỉnh/địa phương trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại hội nghị. |
Chia sẻ kết quả, thuận lợi, thách thức của giáo dục địa phương, ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên kiến nghị sớm ban hành “Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để địa phương có căn cứ trong việc định hướng chiến lược phát triển giáo dục của địa phương. Ưu tiên đầu tư xây dựng trường lớp theo hướng đạt chuẩn quốc gia, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên đồng thời cho rằng, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch… Thực hiện hiệu quả đổi mới quản lý giáo dục, bảo đảm tính dân chủ, thống nhất, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; coi trọng quản lý chất lượng, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục trong quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Song song với đầu tư từ ngân sách nhà nước, khuyến khích huy động mọi nguồn lực để phát triển GD-ĐT.
Với các địa phương trong Vùng, theo ông Nguyễn Văn Phê, cần tăng cường phối hợp, chia sẻ các kinh nghiệm, bài học, cách làm hay trong phát triển giáo dục ở mầm non, phổ thông. Hợp tác quy hoạch theo vùng trong quy hoạch các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục ĐH tránh đầu tư dàn trải lãng phí thiếu hiệu quả.
Tại hội nghị, đại diện địa phương, ngành Giáo dục, chia sẻ kết quả đạt được, nhận diện khó khăn, thách thức; đưa đề xuất và trao đổi giải pháp phát triển GD-ĐT đồng bằng Sông Hồng. |
Từ thực tiễn giáo dục Hà Nam, Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Anh Tuấn đề nghị, cần sớm có chỉ đạo điều chỉnh chính sách đối với việc thực hiện công tác phát triển ngành GD-ĐT nhằm hướng dẫn các chế tài về chế độ chính sách đảm bảo kịp thời, đúng quy định, hạn chế những sai phạm đáng tiếc. Việc thực hiện tinh giản biên chế phải tính đến đặc thù của ngành Giáo dục, đảm bảo định biên giáo viên trên lớp, không thực hiện cắt giảm biên chế theo tỷ lệ chung đối với ngành Giáo dục.
Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình thì đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành quan tâm hỗ trợ địa phương đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Đặc biệt khi Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình, đến nay đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn về đầu tư. Bên cạnh đó, đáp ứng nhu cầu thực tiễn địa phương, Thái Bình cũng mong muốn hình thành, phát triển một trường đào tạo về nông nghiệp; quan tâm đến các mã ngành đào tạo của Trường ĐH Y Thái Bình để đáp ứng nhu cầu nhân lực Khu công nghiệp Dược - Sinh học…