Trong đó, ưu tiên mở rộng quỹ đất đầu tư xây dựng trường mầm non và quỹ đất để xây dựng trường mầm non khi quy hoạch xây dựng đô thị. Xây dựng đủ phòng học, phòng chức năng, công trình vệ sinh, đồ chơi và các công trình phụ trợ khác đáp ứng yêu cầu Phổ cập.
"Xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, thực hiện các chế độ chính sách cho giáo viên mầm non thông qua việc gắn nội dung đào tạo giáo viên với đổi mới GDMN. Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ đối với GVMN, khuyến khích địa phương có chính sách riêng hỗ trợ giáo viên; nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non...", bà Hương nêu thêm giải pháp.
Từ thực tiễn công tác quản lý, cô Cao Thị Vân - Hiệu trưởng trường Mầm non Quảng Minh (huyện Việt Yên, Bắc Giang) cho biết, những năm qua, Phổ cập GDMNTNT đã đạt và duy trì tốt.
Chính vì vậy việc nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong GDMN nhằm nâng cao tỷ lệ trẻ em mầm non được tiếp cận giáo dục. Đồng thời, duy trì, nâng cao kết quả đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi.
Nói về giải pháp nâng cao chất lượng phổ cập GDMN, cô Cao Thị Vân cho rằng, cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên nhằm giữ vững tỷ lệ huy động tối đa trẻ em 5 tuổi đến trường để đạt 100%, chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ vào lớp 1.
Đồng thời, giữ vững kết quả và nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi là thành quả của những năm qua và nâng cao trong những năm tiếp theo, theo hướng đổi mới.
Cô Cao Thị Vân cũng đề nghị, cần giảm tải một số thủ tục hành chính, hồ sơ sổ sách cho giáo viên. "Nên bỏ các quy định yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học sẽ giảm đáng kể những gánh nặng không cần thiết cho giáo viên. Bởi lâu nay, việc giáo viên phải chịu gánh nặng về sổ sách, chứng chỉ, điều kiện bổ sung quá nhiều khi cần đạt một tiêu chuẩn nào đó...", cô Vân bày tỏ.
Cô Vân cho rằng, việc giảm thủ tục hành chính giúp giáo viên đỡ mất nhiều thời gian và công sức vào việc bổ sung, hoàn thiện các chứng chỉ cho đủ điều kiện theo các quy định.
"Với giáo viên để làm tốt các môn học việc chính là học tập, đổi mới, sáng tạo nội dung, phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, cùng với việc giảm đến mức thấp nhất số lượng sổ sách thì bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là thiết thực để giáo viên tập trung nâng cao chất lượng, thực hiện đổi mới giáo dục hiệu quả.
Bên cạnh đó việc xây dựng chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi trong bối cảnh mới để đáp ứng yêu cầu phát triển GDMN trong bối cảnh mới nhằm phù hợp điều kiện về kinh tế, chính trị và sự phát triển của từng địa phương nói riêng và nền giáo dục Việt Nam nói chung...", cô Vân nói.