Bước vào giai đoạn ôn thi nước rút, học sinh lớp 12 cùng lúc phải đối diện với những áp lực đến từ nhiều phía. Đặc biệt, đây còn là lứa học sinh đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ tốt nghiệp trung học phổ thông.
Làm thế nào để các em biết cách cân bằng, hài hòa giữa học tập và nghỉ ngơi, tránh mất phương hướng, động lực trong ôn luyện chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp là nội dung của sự kiện “Đồng hành cùng học sinh cuối cấp: Vững tâm lý, đón tương lai”, do Trường Đại học Thành Đô phối hợp với Báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức, chiều 15/12.
Tại chương trình, có khá nhiều học sinh lớp 12 chia sẻ rằng, các em gặp khá nhiều áp lực đến từ nhiều phía: gia đình, nhà trường, bạn bè và cả mạng xã hội. Có học sinh cho biết, em có học lực không tốt nên rất băn khoăn để lựa chọn cho mình hướng đi phù hợp. Cũng có học sinh đã chia sẻ về độ “vênh” giữa suy nghĩ của cha mẹ và con...
Đối với các câu hỏi của các học sinh, các chuyên gia cho rằng, học sinh đang phải đối mặt với áp lực từ nhiều phía mà nếu không trang bị cho mình hiểu biết và kỹ năng, các em khó thoát ra khỏi nó. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến định hướng, kết quả học tập trong giai đoạn đầy nhạy cảm này…
Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, trong quá trình tư vấn tâm lý cho học sinh, ông đã nhận được nhiều chia sẻ của các em. Học sinh cuối cấp đối diện với áp lực từ nhiều phía. Đó là áp lực từ cha mẹ, từ những người bạn. Bạn mình thích thi trường này nhưng mình lại không thể thi vào trường ấy. Có những người sau này từ bỏ hết các buổi họp lớp vì bạn bè của mình đều tốt nghiệp trường đại học này, đại học kia nhưng mình thì không. Những áp lực ấy cực kỳ nặng nề, nếu không gỡ bỏ sẽ tác động rất lớn.
“Không chỉ vậy, với nhiều gia đình, nhiều học sinh, tình yêu thương của cha mẹ, sự kỳ vọng quá lớn của bố mẹ dành cho con cũng trở thành áp lực vô hình lớn lao. Nhiều đứa trẻ stress, thay đổi cân nặng của mình, ngủ nhiều. Không chỉ có lý do chủ quan, áp lực của học sinh còn đến từ những nguyên nhân khách quan - “con nhà người ta”, bị so sánh với những người xung quanh mình”, ông Hoàng Anh Tú nhấn mạnh.
Còn theo bà Nguyễn Phương Chi, chuyên gia tư vấn, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn và đào tạo Vinamont, việc con mạnh dạn đặt câu hỏi với cha mẹ cũng là một cách để giải tỏa căng thẳng. “Thực ra cha mẹ không có ý hạ thấp các con. Cha mẹ chỉ muốn tạo một động lực cho các con cố gắng. Các con có thể đối diện sự so sánh của cha mẹ với suy nghĩ tích cực, chia sẻ với cha mẹ những điều mình mong muốn”.
Với những áp lực từ mạng xã hội hiện nay đang tác động lớn đến tâm lý các bạn học sinh, PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô cho rằng, trong kỷ nguyên của công nghệ số, việc tiếp cận thông tin dễ dàng hơn so với trước đây, bao gồm cả các mặt tích cực và tiêu cực. “Trong giai đoạn mang tính bước ngoặt quan trọng, học sinh nên hạn chế sử dụng mạng xã hội. Thay vào đó, chúng ta có thể sử dụng sổ tay để ghi chép thông tin. Các em cũng cần có sự chọn lọc khi tiếp cận với mạng xã hội để tránh chịu tác động tiêu cực”, bà Phan Thị Thanh Thảo đưa ra lời khuyên.
Bằng sự thấu hiểu, chân thành và kinh nghiệm của người đi trước, các chuyên gia đã mang đến cho các học sinh lớp 12 những chia sẻ hữu ích và thiết thực, góp phần giúp các em tự tin lựa chọn hướng đi phù hợp, vượt qua những áp lực trong giai đoạn nước rút.