Sau 3 năm tổ công tác hỗ trợ hiệu quả cho học sinh Đan Lai, tháng 11/2022, Đồn đã phối hợp cùng Trường THCS Môn Sơn và chính quyền địa phương thực hiện mô hình “Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên”.
Mô hình này kế thừa chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng”, nhưng thay vì Đồn nhận 4 con nuôi như trước đây, thì giờ đây số lượng lên tới 72 học sinh người Đan Lai.
Mẹ Thanh và các con người Đan Lai ở Trường THCS Môn Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An. |
Lê Văn Sơn nhà ở bản Cò Phạt, năm nay đã học lên lớp 9. Thế nhưng trước đó, Sơn không nhớ bao nhiêu lần muốn bỏ học về nhà đi làm nương rẫy. “Em là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh, chị em. Bố mẹ đều làm nương rẫy. Lúc rời bản học lên THCS, cháu thấy việc học cũng khó, ở nội trú chưa quen, chỉ muốn về nhà làm gì cũng được. Nhưng thầy cô thường xuyên động viên, các bố biên phòng tập thể dục, hướng dẫn lao động, rồi được nấu cơm cho ăn no nên em cứ ở lại lâu hơn, cho đến giờ. Thầy cô, bố mẹ biên phòng còn thường xuyên nhắc em không nghỉ học giữa chừng, phải tốt nghiệp THCS, rồi học lên cao hoặc học nghề thì khi đó đi làm mới có công việc ổn định, giúp đỡ bố mẹ ở nhà”, Lê Văn Sơn kể.
Còn Lê Thị Hoa, 15 tuổi, ở bản Búng, học sinh lớp 9A1 giờ đã thân thuộc, gần gũi với mẹ Thanh (Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh). Cô bé chia sẻ: “mẹ Thanh chỉ dạy cho chúng em rất nhiều thứ từ vệ sinh cá nhân, kiến thức pháp luật. Mẹ dặn không được tảo hôn, lấy chồng sớm là khổ lắm mà phải cố gắng học tập để có hiểu biết và bước ra thế giới rộng lớn ngoài kia”.
Các bố, mẹ biên phòng thường xuyên đến trường và ký túc xá trò chuyện, dạy kỹ năng, kiến thức pháp luật và dặn dò các em học sinh Đan Lai không bỏ học giữa chừng. |
Khi thành lập mô hình đồng hành cùng ký túc xá vùng biên, chính quyền địa phương, Trường THCS Môn Sơn và Đồn Biên phòng Môn Sơn đã tập trung kêu gọi các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ cho học sinh Đan Lai ở bán trú. Chỉ trong thời gian ngắn, Quỹ khuyến học đã được huy động với hơn 50 triệu đồng. Quỹ này sẽ được dùng để khen thưởng và mua đồ dùng học tập cần thiết cho học sinh. Bên cạnh đó, một tổ chức phi chính phủ cam kết hỗ trợ 12 triệu đồng/tháng để thêm khẩu phần ăn bán trú. Một số doanh nghiệp khác cũng đồng hành với học sinh Đan Lai.
Thầy giáo Lê Duy Thuận, Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn xúc động nói: “Mô hình ra đời có ý nghĩa thiết thực đối với học sinh Đan Lai nói riêng và phát triển giáo dục ở vùng núi cao biên giới nói chung. Qua thời gian triển khai đã giảm hẳn tình trạng học sinh nghỉ học giữa chừng. Để mô hình “Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên” đi vào chiều sâu, có hiệu quả hơn, nhà trường sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Đồn biên phòng để quản lý, giáo dục, chăm sóc học sinh tộc người Đan Lai. Qua đó giúp các em yên tâm ở ký túc xá để học tập, rèn luyện đạt hiệu quả”.