Dòng họ Nguyễn - Vũ “lấy thóc lo sự học”

Đăng Chung | 27/02/2022, 07:16
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Dòng họ khoa bảng Nguyễn - Vũ thôn Bất Lự, xã Hoàn Sơn (huyện Tiên Du) nổi tiếng đất Kinh Bắc xưa (Bắc Ninh hiện nay). Nguyễn - Vũ có truyền thống “lấy thóc lo sự học”, con cháu đỗ đạt cao.

Dòng họ Nguyễn - Vũ vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.Dòng họ Nguyễn - Vũ vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.

“Lấy thóc lo cho sự học”

Trong không khí những ngày chuẩn bị Xuân mới Nhâm Dần 2022, chúng tôi tìm về thôn Bất Lự (xã Hoàn Sơn) hỏi đường về Từ đường của dòng họ Nguyễn - Vũ, ai nấy đều nhiệt tình chỉ dẫn.

Ông Vũ Văn Cơ, phụ trách khuyến học của dòng họ Nguyễn - Vũ, cho biết truyền thống hiếu học là đức tính tốt đẹp, lâu đời của dòng họ. Tấm gương sáng nhất là cụ Nguyễn Nhân Hiệp.

“Cụ Hiệp đậu tiến sĩ ngôi Hoàng Giáp (Quan tham chính), kế đó là cụ Nguyễn Văn Vị. Cụ Vị mồ côi cha từ nhỏ, năm 17 tuổi cụ đã xin mẹ đi học và 4 năm sau cụ đậu Tú tài (năm 1825). Khi cụ Vị đi thi thì lý trưởng khi đó khai nhầm họ Nguyễn thành họ Vũ. Từ đấy, họ chúng tôi trở thành họ Vũ (Nguyễn - Vũ)...”, ông Cơ nhớ lại.

Theo ghi chép của dòng họ Nguyễn - Vũ, khoảng giữa thế kỷ thứ 19, nhờ làm ăn phát đạt, ông cha dòng họ đã tôn tạo nhà thờ họ với 35 gian gỗ lim, lợp ngói kiến trúc đẹp khoa học “nội công - ngoại quốc”.

Ông Cơ kể ngày trước, họ Nguyễn - Vũ thường mở lớp học ở nhà thờ và mời thầy về dạy chữ Nho, sau là chữ Quốc ngữ. Đồng thời, họ dành 5 sào ruộng làm “ruộng khoa tràng” để lấy thóc hàng năm lo tiền trả thầy đồ và cấp giấy bút cho các cháu nhà nghèo mà hiếu học. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, nhà thờ họ Nguyễn - Vũ cũng là nơi giúp đỡ, che chở nhiều đơn vị bộ đội, cơ quan trước bom đạn của kẻ thù.

“Nối tiếp truyền thống hiếu học của cha ông, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” và làm theo tộc ước, họ Nguyễn - Vũ chúng tôi tổ chức Quỹ khuyến học từ năm 1997. Từ đó đến nay, năm nào cũng tổ chức trao thưởng cho các cháu học sinh vào dịp Quốc khánh.

Nhờ hoạt động tốt về khuyến học, phong trào học tập ăn sâu bám rễ tới mọi gia đình, góp phần làm rạng danh cho gia đình, dòng họ quê hương. Vì thế, nhiều gia đình kinh tế còn khó khăn, đời sống còn thiếu thốn, họ vẫn tằn tiện, chắt chiu lo cho con ăn học”, ông Cơ chia sẻ.

“Sáng mãi”truyền thống hiếu học

Từ đường họ Nguyễn - Vũ là công trình được tỉnh UBND tỉnh Bắc Ninh cấp Bằng Di tích lịch sử văn hóa năm 2015. Khu Từ đường họ Nguyễn - Vũ nằm trong một làng cổ yên bình khác với khung cảnh tấp nập, những nhà cao tầng khang trang, hệ thống giao thông với công ty tư nhân kinh doanh dịch vụ ở Tiên Du.

Bao năm qua, từ đường họ Nguyễn - Vũ cũng là nơi để các thế hệ con cháu dòng họ hội họp, giáo dục truyền thống và đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài. “Tiêu biểu là gia đình cụ Sáu, ông Tích, ông Trụ… Đó là những hộ đông nhân khẩu nhưng vẫn nuôi con ăn học hết trung học phổ thông, có nhiều cháu học đại học, cao đẳng, đóng góp cho xã hội…”, ông Cơ chia sẻ.

Đơn cử có em Vũ Tư An vốn mồ côi cả cha mẹ nhưng nhiều năm đạt học sinh giỏi, giành nhiều giải thưởng trong các kỳ thi. Lớp 11, lớp 12, An đều thi học sinh giỏi môn Ngữ văn và đoạt giải Ba toàn quốc. Khi là sinh viên Trường Đại học Ngoại thương, An đã được học bổng của Cộng hòa LB Đức.

“Chỉ đạp xe bán bếp than tổ ong, gia đình chú Chuyên Mỳ cũng nuôi 2 con ăn học đại học. Gia đình Hương Định nuôi bố mẹ già và hai con ăn học đại học. Gần đây, cháu Tùng tốt nghiệp trường quân đội, được kết nạp Đảng, vinh dự được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen…”, ông Cơ vui mừng nói.

Nhằm khuyến khích phong trào học tập, dòng họ Nguyễn - Vũ đã triển khai các mô hình “gia đình học tập” và “dòng họ học tập” theo Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ.

Dòng họ Nguyễn - Vũ quyết định 2 tiêu chí gia đình học tập và dòng họ học tập. Cụ thể, mỗi nhóm có 5 - 7 gia đình do thành viên làm khuyến học và bầu trưởng nhóm. Hình thức học tốt nhất sẽ được bầu chọn.

Ngoài số tiền đóng góp theo tộc ước của các gia đình, Ban Khuyến học dòng họ Nguyễn - Vũ còn tuyên truyền mọi người, mọi nhà làm kinh tế giỏi chung tay góp sức. Bởi vậy, năm nào Quỹ khuyến học dòng họ cũng thu được từ 9 - 10 triệu đồng.

Để động viên, khuyến khích phong trào, trong ngày trao thưởng, nhà thờ họ được bài trí như ngày giỗ tổ, cùng dự có các ông bà cao niên, thầy cô giáo cũng như lãnh đạo Hội Khuyến học xã, thôn và hiệu trưởng các trường trong xã.

“Ông tộc trưởng quần áo chỉnh tề làm lễ với tổ tiên. Các cháu lần lượt dâng hương báo công, lắng nghe những gương sáng hiếu học của dòng họ và nhận thưởng do tộc trưởng trao tặng.

Cuối cùng là các tiết mục văn nghệ. Việc khen thưởng học sinh tại nhà thờ họ có ý nghĩa đặc biệt. Vừa ôn lại truyền thống khoa bảng vừa giúp các cháu có thêm động lực, ý chí vươn lên, phấn đấu trong rèn luyện, học tập, trở thành người có ích cho xã hội”, ông Cơ vui vẻ cho hay.

Đến nay, dòng họ Nguyễn - Vũ có 137 cử nhân chiếm trên 43% số khẩu. Trên 70% số hộ có từ 1 đến 6 người trình độ đại học. Trong đó, có 1 Tiến sĩ, 14 Thạc sĩ, nhiều người là huyện ủy viên huyện Tiên Du, 8 người công tác trong lực lượng vũ trang có quân hàm cấp tá, 1 giáo viên vinh dự được Nhà nước phong tặng “Nhà giáo Ưu tú” và nhiều người làm giám đốc, lãnh đạo các công ty.

“Từ phong trào khuyến học mà trình độ dân trí của bà con được nâng cao. Tình cảm họ hàng thêm gần gũi, thân thiết, kinh tế phát triển mạnh. Hiện, khoảng 2/3 số hộ có kinh tế khá giả, không còn hộ nghèo. Họ Nguyễn - Vũ năm nào cũng đạt danh hiệu dòng họ học tập, 100% các hộ đạt gia đình học tập...”, ông Cơ nhấn mạnh.

Truyền thống khoa bảng Tiên Du

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, ông Đặng Ngọc Chỉnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học huyện Tiên Du - cho biết tổng số dòng họ trong toàn huyện là 877 dòng họ. Số dòng họ học tập giai đoạn 2016 - 2020 tăng 357. Trong 5 năm triển khai (2016 - 2020), dòng họ Nguyễn - Vũ có 100% số hộ đăng ký và đạt danh hiệu gia đình học tập.

Dòng họ Nguyễn - Vũ vinh dự được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen năm 2013; nhiều năm được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh tặng Bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Theo ông Đặng Ngọc Chỉnh, huyện Tiên Du đã có hơn 80 Tiến sĩ, 378 Thạc sĩ và 3.701 cử nhân. Đặc biệt, xã Hoàn Sơn có 10 Tiến sĩ, 61 Thạc sĩ , 279 cử nhân.

Hàng năm, huyện Tiên Du có tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng khá cao, có nhiều học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia.

“Nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội Khuyến học huyện Tiên Du tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, nêu cao tinh thần đoàn kết thống nhất, trách nhiệm, trí tuệ hiệu quả. Quyết tâm xây dựng Hội vững mạnh, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục “vì lợi ích trăm năm trồng người” góp phần xây dựng huyện Tiên Du trở thành Thị xã văn minh, giàu đẹp”, ông Đặng Ngọc Chỉnh nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dòng họ Nguyễn - Vũ “lấy thóc lo sự học”