Các chuyên gia cho rằng, việc châu Âu mua khí đốt của Nga có tác động tương tự như việc mua dầu của nước này do cả hai đều là nguồn thu tài chính lớn góp phần tài trợ cho chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Trên thực tế, dòng khí đốt vận chuyển bằng đường ống từ Nga tới châu Âu đã giảm xuống mức thấp lịch sử kể từ khi Moscow khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã dành cả năm 2022 để tìm cách giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, trong khi cố gắng xây dựng các nguồn cung cấp thay thế sau khi các đường ống khí đốt sang châu lục này bị đóng lại.
Hồi tháng 1/2023, Đức tuyên bố nước này không còn phụ thuộc vào Nga về năng lượng vì đã đảm bảo được nguồn cung từ các nơi khác trên toàn cầu, bao gồm cả Mỹ và Na Uy. Tuy nhiên để bù đắp cho lượng LNG thiếu hụt, các chuyến hàng từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Nga, vẫn tăng mạnh thông qua các hình thức vận chuyển khác ngoài đường ống và không phải chịu ảnh hưởng của bất kỳ lệnh trừng phạt nào.
Theo Guardian trích dẫn một nguồn tin từ Tây Ban Nha, sự gia tăng nhập khẩu nói trên có khả năng là kết quả của việc các thương nhân lưu trữ LNG Nga tại các cơ sở của nước này và Bỉ. Nguyên nhân là do lưu trữ tại EU sẽ thuận tiện hơn nhờ cơ sở hạ tầng tái hóa khí và dỡ hàng tại cảng.
Các cảng Zeebrugge và Antwerp của Bỉ đóng vai trò là cửa ngõ tới 18 thị trường châu Âu, bao gồm cả Pháp và Đức, nơi phần lớn LNG được xuất khẩu sang các nước láng giềng.
Bối cảnh này đang làm rõ hơn thế khó của châu Âu trong việc cắt giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga. Hồi tháng 3/2023, EU đã kêu gọi các quốc gia thành viên và các công ty tư nhân ngừng mua hàng từ Nga.
Tuy nhiên, trên thực tế đã diễn ra đúng như dự báo của các chuyên gia khi châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt lên Moscow rằng việc châu Âu “cai” được năng lượng Nga là điều không thể giải quyết trong một sớm một chiều.