Sơn La đẩy mạnh số hóa trường học, nâng cao chất lượng giáo dục, mở rộng cơ hội học tập hiện đại cho học sinh.
Quyết liệt triển khai chuyển đổi số
Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về chuyển đổi số giai đoạn 2021–2025, định hướng đến năm 2030, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số; bố trí cán bộ chuyên trách phụ trách công nghệ thông tin; tập trung chuyển đổi số trong lớp học, quản lý giáo dục và phương pháp giảng dạy. Song song đó, Sở còn tổ chức các chuyên đề từ cấp tỉnh đến huyện, cụm trường và trường học với nhiều hình thức linh hoạt, gồm trực tiếp và trực tuyến.
Sở GD&ĐT Sơn La cũng triển khai hiệu quả sáng kiến cấp tỉnh “Xây dựng IMS – Hệ thống quản lý tích hợp QMS ISO 9001:2015 và EOMS ISO 21001:2018” nhằm nâng cao chất lượng quản lý giáo dục. Sáng kiến này đã được UBND tỉnh Sơn La công nhận và cấp giấy chứng nhận, đồng thời được lan tỏa rộng rãi trong và ngoài tỉnh. Sở GD&ĐT Sơn La còn được Tổ chức chứng nhận quốc tế French Cert (Vương quốc Anh) đánh giá và cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng tích hợp IMS.
Hiện nay, Sở GD&ĐT Sơn La đã triển khai phần mềm quản lý điều hành điện tử (i-office) kết nối các phòng GD&ĐT với các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh, phục vụ việc điều hành, trao đổi thông tin, văn bản chỉ đạo qua mạng. Đồng thời, ngành giáo dục cũng tăng cường ứng dụng CNTT trong kiểm định chất lượng giáo dục bằng hình thức khai báo trực tuyến; sử dụng học bạ điện tử qua hệ thống SMAS, VNEDU…
PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho biết: “Hiện 100% trường THPT trên địa bàn tỉnh đã sử dụng học bạ điện tử, giúp giáo viên giảm khối lượng công việc thủ công, hạn chế sai sót. Từ các nguồn lực đầu tư và xã hội hóa, đến nay, 100% trường THPT, 82% trường liên cấp TH-THCS và 87% trường tiểu học đã được trang bị phòng học máy tính có kết nối internet”.
Cũng theo ông Hoàng, trong năm học 2023–2024, toàn ngành đã thực hiện hơn 5.000 bài học sử dụng internet làm công cụ minh họa trong sinh hoạt chuyên môn; các trường THPT tổ chức hội nghị, hội thảo trực tuyến, sử dụng chữ ký số và triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Nhờ chuyển đổi số, giáo viên mầm non giờ đây dễ dàng tiếp cận kho tài nguyên số phong phú để phục vụ giảng dạy thay vì phải tự tìm kiếm, chuẩn bị thủ công như trước.
Tích cực ứng dụng công nghệ trong nhà trường
Ở các cấp học, việc ứng dụng giáo án điện tử trong các môn như Toán, Sinh học, Hóa học, Lịch sử… không chỉ làm phong phú phương pháp dạy học mà còn giúp học sinh phát triển tư duy đa chiều. Công nghệ thông tin đã trở thành một phần quen thuộc trong công tác quản lý và giảng dạy ở nhiều nhà trường.
100% cơ sở giáo dục ở Sơn La đã sử dụng hồ sơ điện tử, học bạ điện tử, giáo án điện tử, phần mềm Microsoft Office 365 cho giảng dạy và tập huấn trực tuyến, số hóa sổ sách, hồ sơ trong đơn vị. Ngành giáo dục cũng đang thí điểm mô hình phòng học thông minh tại các trường: THCS Nguyễn Trãi, THPT Tô Hiệu, THPT Chuyên Sơn La. Trong năm học 2024–2025, đã có 18/55 cơ sở giáo dục trực thuộc Sở GD&ĐT đạt mức độ 3 về chuyển đổi số trong dạy học, tăng 12 đơn vị so với năm học trước.
Huyện Quỳnh Nhai là địa phương có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao nhất tỉnh. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã tích cực ứng dụng phần mềm hỗ trợ giảng dạy, giúp học sinh ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận với phương pháp học hiện đại. Cô Lương Thị Tám, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Nhai cho biết: “100% trường học trong huyện hiện sử dụng hồ sơ, giáo án, học bạ, sổ liên lạc và chữ ký điện tử qua hệ thống VNEDU-VNPT, cùng nhiều giải pháp công nghệ khác. Nhờ đó, công tác quản lý, giảng dạy đạt hiệu quả rõ rệt”.
Thầy Đặng Văn Hiệu, Hiệu trưởng Trường THPT xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn chia sẻ: “Chúng tôi đã triển khai các phần mềm quản lý trực tuyến, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử và đang sử dụng sổ đầu bài điện tử. Những công cụ này hỗ trợ rất tốt cho giáo viên trong quản lý chuyên môn và nâng cao chất lượng dạy học”.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La khẳng định: “Việc ứng dụng hiệu quả các phần mềm quản lý Nhà nước, quản trị trường học, cùng những công cụ thông minh đang giúp nâng cao kỹ năng chuyên môn, chất lượng giảng dạy và học tập. Công cuộc chuyển đổi số đang làm thay đổi từ nhận thức, tư duy, từng bước xây dựng nền giáo dục mở, thích ứng linh hoạt trên nền tảng số, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn mới”.