Đông Nam Bộ cần có chính sách đột phá riêng về giáo dục

Anh Tú - Hồ Phúc | 18/04/2023, 16:39
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày 18/4,  Hội nghị phát triển GD&ĐT vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã diễn ra tại Bình Dương.

Đến năm 2025, đạt huy động ít nhất 35% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường. Tỷ lệ huy động trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chiếm từ 30% trở lên.

Đến năm 2030, huy động được 40% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 97% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đến trường.

Về giáo viên, phấn đấu đến năm 2030, đủ số lượng theo quy định, 100% giáo viên đạt trình độ đào tạo từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 85% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên.

Phấn đấu đến 2030 có ít nhất 40% số trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia với giáo dục tiểu học khoảng 65%, THCS khoảng 76% và THPT khoảng 60%; giáo dục phổ thông vùng Đông Nam Bộ đứng đầu cả nước.

Đông Nam Bộ cần có chính sách đột phá riêng về giáo dục ảnh 4

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu, chia sẻ ý kiến tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết: Sau khi lắng nghe những báo cáo về công tác phát triển và định hướng phát triển giáo dục của toàn vùng Đông Nam Bộ, cá nhân ông đánh giá cao công tác triển khai các nghị quyết của Chính phủ trong phát triển kinh tế và giáo dục trong giai đoạn qua.

Đông Nam Bộ là trung tâm phát triển lớn nhất của cả nước, những việc làm được trong thời gian qua như phát triển đồng bộ, bền vững từ chỉ tiêu kinh tế, xã hội, giáo dục là rất đáng ghi nhận. Các chỉ số về giáo dục tuy chưa cao nhưng qua các đánh giá chất lượng học sinh, giáo viên, hệ thống trường lớp... cho thấy sự cố gắng của toàn vùng là rất lớn, dù vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn mà vùng cần phải sớm khắc phục, vượt qua - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Đảng và Chính phủ đã xác định tính quan trọng và thiết yếu của việc có một lực lượng nhân lực chất lượng bằng công cuộc đổi mới giáo dục (thông qua Nghị quyết 13 và 29) khi đặt mục tiêu đổi mới toàn diện, đổi mới căn bản nền giáo dục.

"Đây chính là mục tiêu lớn để chúng ta có một nguồn nhân lực chất lượng để phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong quá trình phát triển và hội nhập. Mà để làm được điều đó thì cần phải có phương pháp thực hiện khoa học, lộ trình và tiến trình đổi mới thực hiện một cách khoa học. Giáo dục phải là sự toàn diện, có tính dân tộc, truyền thống.

Việc đổi mới giáo dục, việc kết nối liên thông các bậc học hiện nay sao cho hiệu quả, việc gắn kết công tác đào tạo với các định hướng phát triển kinh tế vùng như thế nào để sớm có một lực lượng lao động khoa học kỹ thuật cao là bài toán mà vùng kinh tế Đông Nam Bộ phải tính toán", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ.

Đánh giá và ghi nhận các kiến nghị đóng góp của các địa phương tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Chúng ta bàn nhiều về cơ hội và thách thức, thách thức và cơ hội trong phát triển giáo dục gắn với phát triển vùng Đông Nam Bộ. Các vấn đề đã được phân tích sâu, ở nhiều chiều từ các địa phương trong vùng, điều đó cho thấy tâm huyết rất lớn của các đại biểu.

Đông Nam Bộ cần có chính sách đột phá riêng về giáo dục ảnh 5

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Đông Nam Bộ là khu vực bao gồm cả những nấc thang cao nhất của giáo dục, cả những phần thấp nhất của giáo dục, là khu vực mà vẫn còn tỉ lệ người mù chữ, vẫn còn lớp học tình thương dành cho con em người lao động không có chỗ học.

Với vùng Đông Nam Bộ cần phải chú ý tạo một lớp thị dân mới, những con người ở các đô thị với lối sống kỷ cương, tuân thủ pháp luật, những công dân số và biết sống văn minh trong môi trường đô thị. Vì thế cần phải giáo dục những nội dung này ngay từ trong quá trình chuyển từ nông thôn sang đô thị - đây là một vấn đề trong dạy người của các tỉnh miền Đông.

Vùng cần làm tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, gốc của chất lượng nhân lực không đâu khác phải bắt đầu từ bậc phổ thông cho tốt.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng nhân lực khoa học, kỹ thuật, công nghệ phải được khu vực đặt thành hướng ưu tiên trọng tâm. Trong đó, khu vực phải tập trung phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trong các lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ, kỹ thuật, khoa học, đổi mới, sáng tạo, quản trị, điều hành…

Đông Nam Bộ cần có chính sách đột phá riêng về giáo dục ảnh 6

Đại biểu tại hội nghị.

Trong cả 3 tầng hướng nhân - nhân lực - nhân tài, cần phải thực hiện mấy “hoá” mới đi đến kết quả. Trước hết là hợp lý hoá. Sự phân bổ các trường đại học ngay trong vùng hiện không đồng đều, TPHCM tập trung quá nhiều, Tây Ninh, Bình Phước không có. Đây là sự bất hợp lý cần sắp xếp lại. Hệ thống cơ cấu ngành nghề cũng phải cần rà soát.

Song song đó phải phát huy tốt hơn nữa xã hội hoá giáo dục, quốc tế hoá, hiện đại hoá, số hoá và phổ cập hoá. Đó là những vấn đề chúng ta đang làm theo đổi mới căn bản, toàn diện, nhưng sự đổi mới đó trong bối cảnh khu vực Đông Nam Bộ có những cái khác hơn. Bởi Đông Nam Bộ có số lượng người trẻ, dân số trẻ, khí thế trẻ, sự phát triển nhu cầu cao - đây chính là cơ hội to lớn cho vùng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giáo dục...

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi đến lãnh đạo các tỉnh/thành Đông Nam Bộ lời cảm ơn khi trong suốt thời gian qua đã ủng hộ cho ngành giáo dục, đã không ngừng có những chính sách để đổi mới giáo dục, đặc biệt đã cùng ngành giáo dục thực hiện nhiều chính sách, cố gắng tuyệt vời trong công tác chống dịch Covid-19 và duy trì việc học, kiên trì mục tiêu chất lượng.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dong-nam-bo-can-co-chinh-sach-dot-pha-rieng-ve-giao-duc-post634967.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dong-nam-bo-can-co-chinh-sach-dot-pha-rieng-ve-giao-duc-post634967.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đông Nam Bộ cần có chính sách đột phá riêng về giáo dục