Quân đội Mỹ dự kiến bổ sung tới 20 địa điểm phòng không mới trên Guam, đây được xem là nỗ lực cải thiện khả năng phòng thủ và bảo vệ các cơ sở quan trọng trên hòn đảo. Những địa điểm này dự kiến sẽ được xây dựng các tổ hợp tên lửa đất đối không, radar và các khí tài khác theo Chương trình Không quân tích hợp tăng cường và hệ thống phòng thủ tên lửa (EIAMD).
Căn cứ Không quân Andersen.
Các biện pháp hạn chế không phận cũng dự kiến sẽ được đưa ra. Liên quan đến những kế hoạch dự kiến được xây dựng, một báo cáo quân sự của Mỹ tiết lộ rằng, "Hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ có thể bảo vệ Guam 360 độ xung quanh toàn bộ hòn đảo. Khả năng bảo vệ 360 độ được thiết kế bằng cách bố trí các bộ phận của hệ thống phòng thủ tại nhiều địa điểm xung quanh hòn đảo”.
Việc lựa chọn địa điểm đang được tiến hành và các địa điểm bổ sung có thể được xem xét. Tuy nhiên, vẫn chưa chắc chắn những loại tên lửa phòng không nào sẽ được lựa chọn để triển khai.
Song song với nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa trên đảo Guam, Quân đội Mỹ cũng đã tìm cách đa dạng hóa các căn cứ để triển khai lực lượng trong khu vực. Đáng chú ý nhất là việc mở rộng các căn cứ trên đảo Wake (cách Guam khoảng 1.000km về phía Đông) và khu vực phía Bắc Australia, tất cả những vị trí này đều đáp ứng được các điều kiện xây dựng căn cứ cho máy bay ném bom hạt nhân B-21 hoạt động.
Khi khu vực Đông Á ngày càng nổi lên là trung tâm công nghệ cao và kinh tế toàn cầu, đồng nghĩa với sức mạnh quân sự của các quốc gia trong khu vực ngày càng tăng lên và điều này sẽ đe dọa nghiêm trọng đến những lợi ích của Mỹ và các nước phương Tây.
Về phần mình, Trung Quốc cũng đã phát triển loại máy bay ném bom chiến lược được xem là đối thủ của B-21, đó là H-20. Chiếc máy bay này dự kiến sẽ thực hiện các chuyến bay đầu tiên trong vòng vài tháng tới và có khả năng sẽ được đưa vào biên chế trong thời gian gần.
(Nguồn: Military Watch)