Quy mô kinh tế của khối BIRCS lớn hơn Mỹ. Ảnh: INET
Khả năng tiếp cận tài chính
Mỹ có một hệ thống tài chính lớn và phức tạp bao gồm một mạng lưới các ngân hàng, công ty đầu tư và các tổ chức tài chính khác có khả năng xử lý các giao dịch quốc tế phức tạp. Các nhà đầu tư trên toàn thế giới thích mua chứng khoán bằng USD vì tính an toàn và tính thanh khoản cao. Năm 2014, BRICS thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) như một giải pháp thay thế cho các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Thỏa thuận dự trữ dự phòng của NDB (CRA) đã thu hút nhiều nước đang phát triển tham gia. Nguyên nhân là vì các quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu dự trữ USD và không thể thanh toán các khoản nợ quốc tế. Bên cạnh đó, chương trình điều chỉnh cơ cấu của IMF bắt buộc các quốc gia này phải giảm chi tiêu chính phủ, tăng cường tư nhân hóa và bãi bỏ một số quy định. Việc không có khả năng xây dựng các chính sách độc lập buộc các quốc gia đó phải chuyển sang NDB để nhận các khoản vay và hỗ trợ phát triển. NDB cũng đã phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ. Những diễn biến này cho thấy khả năng tiếp cận tài chính ngày càng tăng của BRICS để sử dụng tài sản lưu động của mình.
Sức mạnh quân sự
Với sức mạnh quân sự vượt trội và vị trí thống trị trong nền chính trị toàn cầu, Mỹ có ảnh hưởng đáng kể đối với các vấn đề quốc tế. Ảnh hưởng toàn cầu này đã giúp Mỹ củng cố vị thế của đồng USD như một loại tiền tệ toàn cầu không bị thách thức. Tuy nhiên, khối BRICS bao gồm Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, những quốc gia có quân đội mạnh chỉ xếp sau Mỹ, theo Global Firepower Index 2023 (Nga đứng thứ hai, Trung Quốc thứ ba và Ấn Độ xếp thứ tư). Tuy nhiên, khả năng thành lập một liên minh quân sự đã bị loại bỏ vào năm 2018 do mục tiêu chính của BRICS là tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, khả năng thành lập một liên minh như vậy là rất thấp do tranh chấp biên giới kéo dài giữa Ấn Độ và Trung Quốc và quan điểm khác nhau của hai nước về một số vấn đề địa chính trị và địa chiến lược đương đại và mới nổi.
Những thách thức
Câu hỏi thứ ba và cũng là câu hỏi quan trọng nhất là các nước như Ấn Độ phải vượt qua những thách thức nào khi áp dụng đồng tiền mới của BRICS.
Thách thức quan trọng nhất là ý định chính trị đằng sau việc phi USD hóa. Trong nỗ lực thúc đẩy giao dịch bằng các loại tiền tệ quốc gia, Nga sẽ ưu tiên giao dịch bằng đồng NDT hơn so với đồng Rupee của Ấn Độ, bất chấp thỏa thuận Rupee - Rúp giữa New Delhi và Moskva. Điều này sẽ dẫn đến xung đột lợi ích và nguy cơ xảy ra tranh chấp trong khối có thể làm gián đoạn bước đầu tiên, tức là quá trình chuyển đổi sang tiền tệ quốc gia, khiến các thành viên có thể gặp khó khăn trong việc giới thiệu một loại tiền tệ chung thay thế.
Thách thức thứ hai là sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Trung Quốc khi BRICS hướng tới việc trở thành một liên minh tiền tệ như EU. Điều này rất có thể xảy ra vì Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của BRICS. Thương mại nội khối BRICS có thể được tự do hóa ở mức độ mà các quốc gia thành viên sẽ giảm đáng kể hoặc miễn thuế đối với hàng nhập khẩu của nhau. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng thâm hụt thương mại song phương, đặc biệt là với Trung Quốc. Sự phụ thuộc nhiều hơn vào hàng hóa Trung Quốc sẽ làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc và giúp Bắc Kinh có tiếng nói quan trọng hơn trong việc thiết lập các quy tắc thương mại của khối, có khả năng dẫn đến một hình thức chi phối khác.
Thách thức thứ ba là rủi ro phát sinh từ sự biến động tỷ giá hối đoái ở một quốc gia thành viên. Ví dụ, với sự sụt giảm mạnh về giá trị đồng Rand của Nam Phi, điều cần thiết là phải thiết lập một biên độ trong đó một loại tiền tệ của thành viên BRICS như đồng Rand dao động trong đó. Tuy nhiên, thật khó để xác định biên độ dao động như vậy do thiếu một bộ tiêu chí cụ thể mà mọi thành viên phải tuân theo trước khi gia nhập liên minh tiền tệ BRICS.
Tóm lại, chuyên gia Shetty cho rằng những vấn đề trên làm dấy lên nghi ngờ về sự sẵn sàng của Ấn Độ trong việc áp dụng đồng tiền chung trong BRICS. Do sự khác biệt giữa các thành viên BRICS, không rõ liệu lợi ích của một đồng tiền chung có lớn hơn những tác động tiêu cực mà nó mang lại hay không. Mặc dù một loại tiền tệ thay thế sẽ giúp giảm chi phí chuyển đổi USD trong thanh toán quốc tế, nhưng các thành viên BRICS có thể phải thận trọng trước khi thực hiện một bước hướng tới việc xây dựng một loại tiền tệ mới, vì hành động của họ có thể đi ngược lại lợi ích chính sách đối ngoại của mỗi nước.