Thị trường địa ốc Hà Nam đang tăng nhiệt từng ngày nhờ sự tăng tốc của hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, đưa địa phương này trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn trong năm 2024.
Sở hữu tiềm năng lớn khi nằm giáp ranh Thủ đô, đầu mối giao thông kết nối cửa ngõ phía Nam Hà Nội với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và khu vực Bắc Trung Bộ, Hà Nam là địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ.
Nhằm khai thác tối đa vị trí cửa ngõ chiến lược của Hà Nam, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Trong quy hoạch tỉnh, hệ thống hạ tầng giao thông được xem là cốt lõi, là chìa khóa để thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng nông lâm nghiệp, địa điểm du lịch và khai khoáng...
Toàn cảnh hành phố Phủ Lý - Hà Nam.
Để hiện thực hoá mục tiêu kể trên, tỉnh Hà Nam luôn xác định đầu tư hạ tầng giao thông là mũi nhọn cần ưu tiên. Vì vậy, từ năm 2020 đến nay, Hà Nam đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để xây dựng mới, nâng cấp các tuyến đường giao thông, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Về đường bộ, trên địa bàn tỉnh hiện có tới 8 tuyến quốc lộ gồm: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1 tuyến tránh thành phố Phủ Lý, Quốc lộ 21, Quốc lộ 21B, Quốc lộ 37B, Quốc lộ 38, Quốc lộ 38 tuyến tránh thị trấn Hòa Mạc và Quốc lộ 38B, dễ dàng kết nối Hà Nam với các tỉnh thành như: Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên…
Theo Quy hoạch mạng lưới Đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam sẽ có 4 tuyến cao tốc kết nối gồm: Cao tốc Bắc – Nam phía Đông (tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình); cao tốc Phủ Lý – Nam Định; cao tốc Hưng Yên - Thái Bình và đường Vành đai 5 Vùng Thủ đô. Đây được coi là bước đột phá rất lớn về hạ tầng, góp phần mở rộng giao thương giữa Hà Nam với các khu vực lân cận trong Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng Bắc Bộ.
Tiêu biểu nhất phải kể đến tuyến đường Vành đai 5 với chiều dài khoảng 272km, quy mô 4-6 làn xe, bề rộng nền đường tối thiểu 22-33m và có đường gom hai bên. Tuyến đường huyết mạch này đi qua 8 địa phương gồm: Hà Nội (dài 48km), Hòa Bình (hơn 35km), Hà Nam (hơn 35km), Thái Bình (hơn 28km), Hải Dương (gần 53km), Bắc Giang (hơn 51km), Thái Nguyên (gần 29km) và Vĩnh Phúc (hơn 51km).
Đường Vành đai 5 sẽ kết nối Hà Nam với Hà Nội và 6 tỉnh phía Bắc, trong đó có nhiều trung tâm kinh tế lớn, góp phần gia tăng liên kết và tạo động lực phát triển cho toàn vùng Thủ đô.
Nằm trên cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình đoạn giao cắt với đường vành đai 5 tương lai, nút giao Phú Thứ đang được triển khai xây dựng. Đây là 1 trong 5 nút giao cao tốc qua tỉnh Hà Nam, được thiết kế, xây dựng dạng nút giao liên thông 3 tầng, quy mô 1.400 tỷ đồng. Trong đó, Tầng 1 xây dựng hầm trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với 6 làn xe được thiết kế vận tốc 120km/h; Tầng 2 xây dựng đảo xuyến bán kính 40m, vận tốc thiết kế 80km/h; Tầng 3 xây dựng cầu vượt của đường Vành đai 5 vùng Thủ đô bên trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Cách nút giao Phú Thứ không xa là nút giao thông Liêm Tuyền đã vận hành, cửa ngõ giao thông huyết mạch của tỉnh Hà Nam, kết nối cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thông qua tuyến đường nối xuyên tỉnh Hà Nam – Hưng Yên, hướng còn lại đi vào trung tâm Phủ Lý. Đây là ngã tư giao thông quan trọng tạo sự đột phá cho giao thương của Hà Nam.
Tuyến đường nối 2 cao tốc huyết mạch của miền Bắc là Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình vừa khánh thành đầu tháng 7/2024 (đoạn qua Hưng Yên). Với tổng chiều dài 47,7 km và mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng (đoạn đi qua Hà Nam dài 16,5 km với điểm đầu tại nút giao Liêm Tuyền, điểm cuối tại cầu Thái Hà), tuyến đường có ý nghĩa rất quan trọng khi rút ngắn thời gian di chuyển giữa 2 cao tốc tới 30 phút, kết nối Hà Nam với khu vực Đông Bắc dễ dàng. Điều này giúp giảm chi phí logistics, đóng góp cho tăng trưởng bền vững, lâu dài của tỉnh Hà Nam và khu vực. Tại lễ khánh thành, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương và yêu cầu phấn đấu hoàn thành nâng cấp tuyến đường nối này lên thành cao tốc vào cuối năm 2025.
Một dự án giao thông quan trọng khác đang được xây dựng giúp kết nối Hà Nội – Hà Nam, giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1A và cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ là Dự án xây dựng đường trục phía Nam Hà Nội. Trong tương lai khi tuyến đường hoàn thành sẽ nối từ đường Vành đai 3 Hà Nội đoạn từ Nguyễn Xiển đi qua các quận Hà Đông, huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên tới cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đi Hà Nam.
Đến thời điểm hiện tại, tuyến đường này đã hoàn thành được khoảng một nửa và đang tiếp tục được xây dựng. Dự án sẽ kết nối các tuyến vành đai 3, 3.5, 4 và 5, tạo thành trục giao thông xương sống phía Nam Hà Nội.
Cùng với các tuyến Quốc lộ, vành đai, cao tốc… huyết mạch kết nối liên Vùng, những năm qua, Hà Nam còn đầu tư mạnh cho các tuyến giao thông nội tỉnh. Điển hình là các tuyến đường lớn đã và đang được quy hoạch bài bản tại khu vực Bắc Châu Giang, kết nối trung tâm Phủ Lý cũ với khu hành chính mới đang được xây dựng. Các đại lộ như Điện Biên Phủ, Lê Công Thanh, Nguyễn Văn Linh hay Võ Nguyên Giáp (trong ảnh là đoạn qua Nhà thi đấu đa năng Hà Nam) đã làm lột xác bộ mặt đô thị Phủ Lý.
Bên cạnh các tuyến đường bộ, Hà Nam dự kiến là 1 trong khoảng 20 tỉnh thành có tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam chạy qua. Dự án trải dài khắp 3 miền Tổ quốc này dự kiến khởi công năm 2027, sẽ kết nối Hà Nam (tại ga Phủ Lý) với cả nước.
Về đường thủy, toàn tỉnh Hà Nam có 196 km đường sông với hơn 20 dự án cảng. Trong các loại cước vận chuyển thì đường thủy có giá thấp nhất. Chính vì thế, Hà Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải đường thủy trong việc trung chuyển hàng hóa. (Trong ảnh là sông Đáy đi qua trung tâm thành phố Phủ Lý).
Không thể không nhắc tới quy hoạch hàng không của Vùng Thủ đô, với định hướng xây dựng sân bay thứ 2 của Hà Nam tại huyện Ứng Hòa – Phú Xuyên (Hà Nội), chỉ cách thành phố Phủ Lý khoảng 25 km. Đây là cửa ngõ quan trọng giúp Hà Nam kết nối với cả nước và quốc tế. (Ảnh vị trí dự kiến của sân bay chụp từ Google Earth)
Đây là cảng hàng không nội địa, đảm bảo đủ điều kiện để chuyển đổi sang cảng hàng không quốc tế khi cần thiết. Công suất sân bay khoảng 30 - 50 triệu hàng khách/năm, diện tích 1.300 - 1.500 ha, triển khai sau năm 2030. (Trong ảnh là khu đất dự kiến được xây dựng sân bay tại huyện Ứng Hòa – Phú Xuyên).
Với việc không ngừng nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng, tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại và quy hoạch bài bản bậc nhất cả nước, Hà Nam trở thành thỏi nam châm thu hút đầu tư trong và ngoài nước, luôn đứng trong top 10-15 cả nước về thu hút FDI và dần trở thành một trong những "thủ phủ" công nghiệp của miền Bắc. Năm 2023, bất chấp nhiều khó khăn, tỉnh vẫn thu hút được 49 dự án đầu tư mới, trong đó có 33 dự án FDI và 16 dự án trong nước với số vốn đăng ký lần lượt là 459 triệu USD và hơn 1.930 tỉ đồng. Từ đây cũng mở ra cơ hội rất lớn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các dự án đô thị quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cao cấp, lâu dài.
Đi trước đón đầu cơ hội, nhiều chủ đầu tư lớn đã quy hoạch và triển khai dự án đại đô thị tại vị trí tâm điểm kết nối các tuyến đường giao thông huyết mạch như khu vực Bắc Châu Giang (Phủ Lý), nhằm đón trọn dòng khách từ Hà Nội và các tỉnh thành đổ về tìm kiếm nơi ở với chất lượng sống cao, hoặc đầu tư theo mô hình second home. Tiêu biểu là dự án Đô thị thời đại - Sun Urban City Hà Nam do Sun Property (thành viên Sun Group) phát triển, hay nhiều ông lớn khác cũng có mặt tại đây với các dự án quy mô như Flamingo, Taseco Land...
Hiện Hà Nam đang phấn đấu hiện thực hóa quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, đến năm 2030, Hà Nam phấn đấu sẽ là tỉnh giàu đẹp, văn minh, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế và nguồn lực. Đồng thời, trở thành trung tâm công nghiệp - công nghệ cao thân thiện với môi trường; trung tâm du lịch văn hóa gắn với du lịch văn hóa tâm linh, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao… Đến năm 2050, Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị thông minh, hiện đại và trở thành động lực phát triển quan trọng của Vùng đồng bằng sông Hồng. Đây cũng là động lực quan trọng để Hà Nam bứt phá về kinh tế - xã hội, tạo động lực cho thị trường bất động sản tăng tốc.