Dự án tàu ngầm Orka của Ba Lan: Tham vọng biến Biển Baltic thành “Hồ NATO”

Hoàng Phạm | 02/12/2023, 22:11
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ba Lan hiện quan tâm đến việc mua tàu ngầm hiện đại cho Dự án Orka, nhằm hỗ trợ tham vọng của liên minh phương Tây biến Biển Baltic thành “Hồ NATO”.

Từng là một cường quốc hải quân và nhà đóng tàu lớn trong nửa sau thế kỷ 20 với hơn chục tàu ngầm trong kho vũ khí, nhưng năng lực của Ba Lan kể từ đó đã giảm đáng kể và hiện chỉ còn một tàu ngầm hoạt động. Warsaw hiện đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ nước ngoài để xây dựng hạm đội của mình và Hàn Quốc là một trong những đối tác tiềm năng.

Công ty quốc phòng Hanwha Ocean của Hàn Quốc đang muốn bán tàu ngầm tấn công chạy diesel-điện lớp Dosan Ahn Chang-ho KSS-III cho Ba Lan.

“Chúng tôi sẵn sàng cung cấp tàu ngầm KSS-III, một trong những tàu ngầm tốt nhất thế giới, cho Dự án Orka của Ba Lan”, Phó chủ tịch Hanwha Ocean, Sung Kyun Jeong, cho biết trong cuộc họp báo ở Warsaw tuần này.

Tàu ngầm Dosan Ahn Changho của Hàn Quốc phóng tên lửa SLBM Hyunmoo 4-4. Video: Korea Defense Blog

Thủy thủ đoàn trên tàu gồm 50 người. Tàu có hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP) chạy bằng pin lithium-ion được thiết kế để cho phép chúng hoạt động mà không cần tiếp cận với oxy trong khí quyển, khiến chúng có khả năng tàng hình ngang bằng hoặc thậm chí hơn cả tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Dòng tàu ngầm này còn bao gồm hệ thống quản lý chiến đấu do Hanwha phát triển, hệ thống tác chiến điện tử và sonar hiện đại cũng như hệ thống tìm kiếm và tấn công mục tiêu quang học.

Tàu ngầm có thể ở dưới nước tối đa 20 ngày mỗi lần và di chuyển với tốc độ 20 hải lý khi lặn (hoặc 12 hải lý khi nổi), với tổng tầm hoạt động trên 19.000km.

KSS-III gần như là một dòng tàu ngầm hoàn toàn mới và hiện mới chỉ có duy nhất Hải quân Hàn Quốc sử dụng. Tàu có giá 900 triệu USD mỗi chiếc. Seoul có kế hoạch chế tạo tổng cộng 9 chiếc KSS-III, trong đó có 2 chiếc đang hoạt động tại thời điểm hiện nay.

Tại triển lãm quốc phòng năm 2019, Hanwha Ocean đã tiết lộ một biến thể thu nhỏ của KSS-III với lượng giãn nước chỉ 2.000 tấn, có thủy thủ đoàn 40 người, được gọi là DSME-2000 và biến thể xuất khẩu 3.300 tấn được gọi là DSME-3000 cho Ấn Độ vào năm 2021.

Hanwha Ocean đã chủ động mời chào Warsaw mua tàu ngầm của mình cho chương trình Orka khi Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tham dự một triển lãm quốc phòng hồi tháng 9.

Bên cạnh việc bán tàu ngầm, Hanwha Ocean đã bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Warsaw đào tạo thủy thủ đoàn và xây dựng một trung tâm bảo trì, sửa chữa và đại tu riêng biệt ở quốc gia Đông Âu này.

Tàu ngầm Hàn Quốc không phải là lựa chọn duy nhất

Mặc dù khả năng phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất và tên lửa đạn đạo của KSS-III khiến nó trở thành một đề xuất hấp dẫn đối với Warsaw, các nhà chế tạo tàu ngầm của Hàn Quốc không phải là lựa chọn duy nhất cho chương trình Orka.

Chẳng hạn, ThyssenKrupp Marine Systems được cho là đang giới thiệu tàu ngầm diesel-điện Type 212 Common Design (CD) hoàn toàn mới, có lượng giãn nước 2.500 tấn, được trang bị khả năng phòng không và phóng tên lửa hành trình cũng như các đặc tính tàng hình và có hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập/diesel. Các tàu của Đức được trang bị cảm biến quang học và sóng siêu âm hiện đại, có tốc độ tối đa trên 20 hải lý/giờ. Tàu có giá từ 1 tỷ đến 1,6 tỷ USD mỗi chiếc, đã được hải quân Đức và Na Uy đặt hàng, chiếc đầu tiên dự kiến sẽ được bàn giao vào cuối thập kỷ này.

Theo truyền thông Ba Lan, Tập đoàn Hải quân Pháp và Saab Kockums của Thụy Điển cũng quan tâm tới việc bán tàu ngầm cho Ba Lan, trong đó Pháp có thể sẽ tham gia cuộc cạnh tranh với các tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Scorpene, còn Thụy Điển sẽ tham gia với tàu ngầm lớp Blekinge.

Tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Scorpene đã được hải quân Chile, Malaysia, Ấn Độ và Brazil vận hành, có lượng giãn nước 1.565-1.900 tấn, động cơ đẩy không khí độc lập, tốc độ tối đa lên tới 20 hải lý khi lặn, tầm hoạt động 12.000 km, thời gian hoạt động 40-50 ngày, thủy thủ đoàn 31 người. Vũ khí trên tàu gồm ngư lôi, tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không... Tàu có giá 450 triệu USD mỗi chiếc.

Tàu ngầm Blekinge của Thụy Điển, còn được gọi là tàu lớp A26, có lượng giãn nước 1.950 tấn, hệ thống động cơ đẩy không khí Stirling độc lập/diesel-điện, thời gian hoạt động 45 ngày. Tàu có khả năng phóng ngư lôi và rải mìn. Một số biến thể có tới 18 bệ phóng thẳng đứng bắn tên lửa hành trình Tomahawk. Tàu lớp A26 dự kiến được đưa vào sử dụng trong Hải quân Thụy Điển vào nửa sau của thập kỷ hiện tại.

Bài liên quan
Chủ tịch Samsung lần đầu trở thành người giàu nhất Hàn Quốc
Với việc tăng thêm 3,5 tỷ USD, ông Lee Jae Yong lần đầu trở thành người giàu nhất Hàn Quốc với khối tài sản ròng 11,5 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án tàu ngầm Orka của Ba Lan: Tham vọng biến Biển Baltic thành “Hồ NATO”