Dự án Vành đai 4 bứt tốc

Đông Hồ | 23/06/2023, 07:01
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Việc xây dựng Vành đai 4 - Vùng thủ đô là nhiệm vụ chính trị, phấn đấu hoàn thành vào năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ phát lệnh khởi công đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô vào sáng 26-6 tới. Hà Nội cũng đồng loạt khởi công tại 4 điểm, 2 tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên cũng đồng loạt động thổ.

Sẵn sàng mặt bằng sạch

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện lãnh đạo 7 quận, huyện của Hà Nội có dự án đi qua đều khẳng định thông tin tích cực về kết quả giải phóng mặt bằng, tình hình tiến độ và quyết tâm thực hiện các phần việc còn lại.

Dự án Vành đai 4 bứt tốc - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra các vị trí khởi công .Ảnh: VƯƠNG VÂN

Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, Bí thư huyện ủy Mê Linh, Vành đai 4 đi qua huyện có tổng chiều dài 11,2 km, đến nay, riêng diện tích đất nông nghiệp, huyện đã giải phóng mặt bằng được 99,2%... Huyện Mê Linh có 458 hộ cần giải phóng mặt bằng, tái định cư; huyện đã lên phương án bồi thường và giải phóng mặt bằng được trên 88% khối lượng tái định cư. Tiến độ xây dựng khu tái định cư đang đạt kế hoạch đề ra. Lãnh đạo huyện Mê Linh khẳng định quyết tâm đạt mục tiêu đặt ra cho dự án Vành đai 4 và không có vướng mắc trong quá trình triển khai.

Huyện Đan Phượng có tuyến Vành đai 4 đi qua dài 6,3 km, đã hoàn thiện giải phóng mặt bằng được 85%, huyện cam kết đến cuối năm sẽ bàn giao 100% giải phóng mặt bằng. Huyện Hoài Đức cho biết tuyến vành đai đi qua 17,1 km, đến nay tỉ lệ giải phóng mặt bằng đạt 84%, huyện cũng dự kiến tiến độ 2 khu tái định cư sẽ hoàn thành trong từ 3-4 tháng và hiện chưa có khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai.

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Bí thư quận ủy Hà Đông, cho hay địa bàn quận có 5,5 km dự án đi qua, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt 84%. Huyện Thường Tín đã đạt tỉ lệ 83,4% về giải phóng mặt bằng. Huyện Thanh Oai có 9 km thuộc dự án, công tác giải phóng mặt bằng được 82%; huyện cam kết sẽ giải phóng mặt bằng đúng tiến độ.

Bảy quận, huyện đã thu hồi đất bàn giao mặt bằng được 651,33 ha/798,043 ha (đạt 81,62%), vượt kế hoạch và cam kết. Ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, cho rằng tỉ lệ này khá đồng đều ở các quận, huyện, đều đạt từ 70% trở lên. Tổng số mộ thuộc diện giải phóng mặt bằng đã di chuyển được là 6.035/10.039 ngôi (đạt 60,12%). Tổng số tiền đã phê duyệt để chi trả đền bù hỗ trợ là 4.626,79 tỉ đồng.

Dự án Vành đai 4 bứt tốc - Ảnh 3.

Phối cảnh Vành đai 4 - Vùng thủ đô .Ảnh: UBND TP HÀ NỘI

Theo ông Cường, ban đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng các gói thầu xây lắp, tư vấn giám sát dự án đường song hành và đang tổ chức lập thiết kế bản vẽ thi công để tổ chức phê duyệt triển khai thi công ngay sau khi khởi công dự án.

Các quận, huyện cũng đã bàn giao mặt bằng vị trí khởi công cho ban. Từ ngày 18-6, nhà thầu đã tiếp nhận và tổ chức triển khai tạo mặt bằng bãi khởi công công trình. Đến nay, các khâu chuẩn bị đã bảo đảm đủ điều kiện khởi công công trình trên toàn tuyến.

Bắt tay làm ngay, liên tục

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án Vành đai 4, cho biết thời gian qua Hà Nội và 2 tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên đã có sự phối hợp chặt chẽ triển khai dự án cũng như chuẩn bị cho việc khởi công dự án trong tháng 6-2023. Hà Nội đã phê duyệt dự án thành phần 2, lựa chọn xong nhà thầu nên sẽ khởi công đúng kế hoạch vào ngày 25-6 tới. Còn 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh do phê duyệt chậm hơn, chưa chọn được nhà thầu nên sẽ tổ chức động thổ vào cùng ngày này.

Bí thư Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: "Đã khởi công phải làm ngay, đã làm là phải làm liên tục. Chủ đầu tư phải yêu cầu nhà thầu chuẩn bị đầy đủ máy móc, sẵn sàng nguyên vật liệu để tổ chức thi công. Các cấp, các ngành, từng cơ quan, đơn vị và từng đồng chí phải coi thực hiện dự án bảo đảm tiến độ theo đúng nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị là cơ bản hoàn thành vào năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027; coi đây là nhiệm vụ chính trị; đã quyết tâm rồi, phải quyết tâm hơn nữa để thực hiện".

Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án Vành đai 4 khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, đồng thời yêu cầu 7 quận, huyện và các cơ quan, đơn vị tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng, phấn đấu vận động, thuyết phục tạo đồng thuận để không phải cưỡng chế trường hợp nào; hoàn thành tái định cư để 100% hộ dân về nơi ở mới và hoàn thành thu hồi 100% diện tích trong năm 2023.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ: Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường chủ động, khẩn trương hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền các kiến nghị của UBND TP Hà Nội và UBND hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.

Yêu cầu TP Hà Nội là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án và báo cáo kết quả triển khai dự án, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án và chủ trì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư trong trường hợp phát sinh các yếu tố dẫn đến điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Gần 86.000 tỉ đồng cho 112,8 km

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km, qua địa bàn TP Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Dự án áp dụng các công nghệ xây dựng tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả; thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành. Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỉ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Bài liên quan
Xử lý tình trạng đầu cơ, tránh để nguồn lực xã hội bị 'chôn' vào bất động sản
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị có giải pháp xử lý hiện tượng đầu cơ, tránh việc nguồn lực xã hội bị "chôn" vào thị trường bất động sản.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án Vành đai 4 bứt tốc