Đủ chiêu lừa đảo bất động sản

Theo Sơn Nhung - Nguyễn Tuấn | 03/10/2023, 09:29
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thị trường bất động sản trầm lắng nhưng vẫn còn có người bị mất tiền vì những chiêu trò của những người môi giới dụ khách hàng đặt cọc mua đất để lừa đảo.

Mới đây nhất, Công an tỉnh Đồng Nai đã triệt xóa thành công một tổ chức lừa đảo núp bóng Công ty CP Đầu tư Xây dựng Kinh doanh Lộc Phúc (địa chỉ tại đường Tiền Giang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM) với cả trăm đối tượng tham gia.

Đủ chiêu lừa đảo bất động sản - Ảnh 1.

Thao túng tâm lý!

Trước đó, Công an tỉnh Đồng Nai liên tiếp nhận được tin báo của các nạn nhân ở TP HCM và Đồng Nai tố cáo công ty này có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn lập dự án ảo trên đất nông nghiệp thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Bà Định Thị Thúy Vân (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) kể tháng 8 vừa qua, bà tìm thấy mẩu quảng cáo bán nhà giá rẻ trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp). Khi bà liên hệ thì được một người giới thiệu là Phương, nhân viên Công ty Lộc Phúc, hẹn đi xem nhà.

Ngày 10-8, Phương đưa bà đến số 2 Lê Duẩn, quận 1, TP HCM để xem giấy tờ nhà. Khi Phương nói rằng giấy tờ nhà là sổ chung nên bà không đồng ý mua. Sau đó, Phương nài nỉ và đưa bà xuống xem đất tại Quốc lộ 51, gần KCN Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, cùng nhiều người khác.

Trong quá trình di chuyển, Phương và một người tự xưng là Nhân nhờ bà Vân đứng tên giùm cho một khách hàng tên Tú đang từ Đà Nẵng vào để mua đất nhưng bà không đồng ý. "Phương và Nhân liên tục năn nỉ tôi đứng tên ứng trước giúp người tên Tú chỉ với số tiền 2 triệu đồng và nói rằng sẽ hoàn tiền lại cho tôi sau khi về đến công ty.

Sau đó, Nhân tổ chức quay số trúng thưởng cho những người có mặt trên chuyến xe và tôi được thông báo trúng thưởng 1 chiếc xe SH. Tuy nhiên, để nhận giải thưởng thì tôi phải bổ sung đủ 100 triệu đồng để làm hợp đồng đặt cọc mua đất theo quy định của công ty.

Vì nhẹ dạ và nghĩ chỉ đứng tên giùm người tên Tú, sau đó sẽ được hoàn cọc nên tôi đã đưa 100 triệu đồng tiền mặt cho Nhân và Phương và ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng đất nền số 1108/HĐ-ĐN/2023" - bà Vân nhớ lại.

Tuy nhiên, lúc đến nơi, người tên Tú xuất hiện nói không đồng ý mua đất với lý do hợp đồng đặt cọc này không có giá trị pháp lý. Vì vậy, công ty không hoàn tiền đặt cọc cho bà Vân. "Nhiều lần đến Công ty Lộc Phúc đề nghị hoàn lại số tiền cọc trên nhưng họ đưa ra nhiều lý do nhằm trì hoãn. Mỗi lần đến, nhân viên đều lập một biên bản làm việc và thông báo sẽ xử lý trong 3 ngày nhưng đến nay tôi vẫn chưa nhận lại được số tiền 100 triệu đồng. Sau đó, tôi nghe công ty này bị công an bắt nên đã trình báo với Công an tỉnh Đồng Nai để thụ lý, chờ kết quả" - bà Vân kể.

Cũng là nạn nhân của Công ty Lộc Phúc, vợ chồng chị D.T.T.T (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) kể lại quá trình bản thân bị giăng bẫy, thao túng tâm lý.

Cũng với chiêu rao bán nhà giá rẻ trên mạng xã hội, nhân viên Công ty Lộc Phúc đã mời vợ chồng chị T. đến văn phòng công ty ở TP Thủ Đức (khu vực quận 2 cũ) để xem giấy tờ và đi xem nhà. Tại đây, chị được các nhân viên công ty dụ dỗ đưa lên ô tô 52 chỗ để đi xem nhà. Khi thấy xe chạy lâu, chị T. hỏi có phải bị lừa không mà mãi chưa tới thì được nhân viên trấn an.

Khi chiếc xe chở xuống huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai để xem đất dự án, chị T. biết mình bị lừa thì được những người xung quanh (nhân viên của công ty) trấn an và khẳng định không bị lừa, còn lên tiếng bản thân đã mua rồi.

Sau đó, chúng yêu cầu chị chuyển 100 triệu đồng để nhận phiếu ưu đãi, rồi sẽ giới thiệu bán lại ngay cho người khác lấy 300 triệu đồng. Chị T. cho hay mặc dù trong lòng không mong muốn nhưng "nhân viên đông quá, họ cứ hô hét. Hai chị kế bên cũng nói không sao đâu em cứ làm đi nên tôi bị áp đặt phải làm theo".

Đủ chiêu lừa đảo bất động sản - Ảnh 2.

Công an tỉnh Đồng Nai bắt quả tang Công ty Lộc Phúc dựng sàn giao dịch bất động sản ma tại xã An Viễn, huyện Trảng Bom. Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Dân sự hay hình sự?

Trong khi đó, bà Bùi Thị Bích Ng. (ngụ TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) dù không có nhu cầu mua nhà, đất giá rẻ nhưng vẫn bị lừa mất 300 triệu đồng.

Theo lời kể, bà Ng. có một mảnh đất ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cần bán với giá gần 3 tỉ đồng. Sau đó một môi giới bất động sản gọi điện báo có khách ở TP HCM muốn mua đất của bà. Nghe có người mua đất, bà Ng. sắp xếp đi vào TP HCM để thương thảo chuyện mua bán.

Tại TP HCM, người môi giới hẹn bà Ng. cùng đi với khách đến Biên Hòa để xem đất. Thay vì đi xe riêng thì môi giới yêu cầu bà và người khách đi chung xe 45 chỗ với nhiều người khác đi xem đất ở Đồng Nai, tiện đường nên chở bà theo. Trên xe, bà Ng. được ngồi chung với người mua là một phụ nữ trẻ tuổi. Người này khẳng định rất thích miếng đất của bà và sẽ đặt cọc sau khi xem đất.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Ng. cho biết không hiểu sao lúc đó bà có cảm giác bị bị say xe, buồn nôn tới mức không tỉnh táo. Sau đó, có 4-5 người giới thiệu là nhân viên của Công ty Đ.T.H ở đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP HCM kè theo, mời bà mua đất nền dự án ở Đồng Nai.

Trong lúc bà đang phân vân thì được thông báo trúng 5 chỉ vàng của công ty nhưng điều kiện là phải đặt cọc 150 triệu đồng để mua đất. "Nghĩ rằng mình sẽ bán đất gần 3 tỉ đồng, tiền cũng dư nên mua đất đầu tư tiếp và tôi đã chuyển khoản đặt cọc 150 triệu đồng theo thông tin mà nhân viên công ty này hướng dẫn" - bà Ng. nói.

Trên đường về, bà Ng. nghi ngờ mình bị lừa vì người muốn mua đất của bà không đi xem đất, không đặt cọc tiền cho bà thì người này quay lại hỏi bà có muốn bán lại miếng đất vừa mua để hưởng chênh lệch? Bà Ng. lại đồng ý nhưng nhân viên công ty yêu cầu bà phải chuyển đủ 300 triệu đồng để làm hợp đồng đặt cọc mới được bán lại. Nghe vậy bà Ng. chuyển tiếp 150 triệu đồng nữa cho nhân viên theo số tài khoản ban đầu.

Khi về đến công ty, bà Ng. lại được người đi chung xe mách: "Chị bán vậy lãi ít, giờ tôi đóng tiền 50% để lấy hợp đồng mua bán sẽ bán được giá cao hơn. Giờ chị kiếm thêm 570 triệu đồng, sẽ bán được tới 1,2 tỉ đồng".

Nghe vậy bà Ng. liền liên hệ với bạn để mượn 570 triệu đồng nhưng không được nên giao dịch tạm thời bị dừng. Khi lên xe về Nha Trang, bà Ng. mới hiểu mình bị lừa, liên hệ công ty đòi tiền lại nhưng không được.

Một trường hợp khác, ông Phạm Công Dũng (ngụ đường Nguyễn Văn Lượng, quận Gò Vấp) cho biết ông đang rất bức xúc vì bị Công ty TNHH GS R lừa mất 200 triệu đồng nhưng công an thì nói "đây là hợp đồng dân sự" nên không giải quyết. Theo lời ông Dũng, tháng 7 vừa qua, theo dõi mạng xã hội, ông đọc thấy thông tin có công ty bán đất có sổ tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai chỉ 470 triệu đồng/nền nên ông để lại số điện thoại cho nhân viên tư vấn.

Khi hẹn đón đi xem đất thì người tên Lăng Hải Giáp khẳng định mảnh đất có giá 470 triệu đồng nhưng người khách cùng đi mua đất với ông lại không biết giá. Tới nơi, nhân viên dẫn ông đi xem đất rồi yêu cầu đặt cọc, khi ông nói không mang tiền mặt thì người này hướng dẫn ông tải app về điện thoại để chuyển khoản.

"Tôi có cảm giác như bị bùa, nửa mê nửa tỉnh, khi nói không có tiền mặt, chỉ có tiền trong ngân hàng thì nhân viên này hướng dẫn tải app ngân hàng để chuyển khoản online. Sau đó, những người này đã chuyển tiền từ tài khoản VietinBank của tôi sang OCB của họ 200 triệu đồng rất dễ dàng" - ông Dũng cho biết.

Ngay khi chuyển khoản xong 200 triệu đồng, Giáp cho biết sẽ đưa ông Dũng lên xe đi về công ty ở TP HCM để làm thủ tục đặt cọc ngay chứ không mời ông tham gia bốc thăm trúng thưởng với nhóm 5-6 người đi xe khác đang ồn ào giữa bãi đất trống.

Đến trụ sở công ty trên đường Nguyễn Sỹ Sách, quận Tân Bình, ông Dũng ký hợp đồng đặt cọc với công ty. Tuy nhiên, khi về tới nhà, ông lại nhận ra tờ hợp đồng ông ký mua mảnh đất có giá tới hơn 2 tỉ đồng chứ không phải 470 triệu đồng. Ông Dũng đến công ty khiếu nại, đòi lại tiền không được nên làm đơn tố cáo lên công an phường nhưng lại được trả lời là đây khiếu nại dân sự, không phải hình sự nên không thụ lý. Trong khi đó, ông lên công an quận, nơi này nhận đơn và cho biết cũng có nhiều người đi khiếu kiện ông giám đốc công ty này.

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư Trần Đình Dũng, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng qua lời kể của các nạn nhân, những người bị hại thì các hành vi không rõ ràng của người bán đều có thể quy vào tội hình sự. Tuy nhiên, phải cần có chứng cứ và để có được phải có sự tích cực hỗ trợ từ chính quyền địa phương, nơi các công ty này đóng văn phòng và các địa phương họ đưa khách đến. Các hợp đồng, cách thức họ dẫn dụ khách hàng mua một sản phẩm không đầy đủ điều kiện đã có thể truy cứu trách nhiệm hình sự được.

(Còn tiếp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đủ chiêu lừa đảo bất động sản