Du học sinh mất hơn 300.000 USD vì tin vào tin nhắn

25/12/2022, 12:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cơ quan an ninh Đại học Illinois (UIPD - Mỹ) phát đi cảnh báo một số sinh viên quốc tế đã trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo, số tiền bị lừa có thể lên đến hơn 300.000 USD.

Sinh viên quốc tế là đối tượng của những kẻ lừa đảo tại Mỹ. Ảnh: Fobes.

Ngày 21/11, UIPD nhận được phản hồi của sinh viên về việc người này nhận cuộc gọi từ một người tự xưng là đại diện của Đại sứ quán Trung Quốc tại Chicago (Mỹ).

Người gọi cho biết hộ chiếu của sinh viên có liên quan đến tội phạm quốc tế và đe dọa trục xuất sinh viên. Cuối cùng, họ hướng dẫn sinh viên chuyển 90.000 USD vào một tài khoản không xác định nhằm tránh bị buộc tội hình sự và sinh viên đã làm theo, theo Daily Illini.

Tương tự, vụ lừa đảo khác lên đến hơn 300.000 USD đã xảy ra vào ngày 20/10. Một sinh viên nhận được tin nhắn từ người tự xưng là cảnh sát Trung Quốc. Kẻ lừa đảo thông báo hộ chiếu của sinh viên có liên quan đến hoạt động bất hợp pháp, yêu cầu sinh viên chuyển 315.903 USD cho cảnh sát để tránh bị truy tố.

Đó chỉ là vài ví dụ trong số nhiều trường hợp lừa đảo sinh viên xảy ra trong năm qua. Nhiều sinh viên đã mất từ vài trăm đến hàng chục nghìn USD. Trong các vụ việc, hầu hết kẻ lừa đảo sẽ mạo danh là nhân viên thực thi pháp luật hoặc phụ trách nhập cư. Tuy nhiên, sinh viên lại vướng vào các trường hợp như lừa đảo thuế, lừa đảo học phí hoặc tình yêu.

“Những kẻ lừa đảo có xu hướng nhắm vào sinh viên quốc tế bởi họ có rào cản về ngôn ngữ hoặc văn hóa, dễ dàng bị tiếp cận hơn", UIPD nhận định.

Wes Wang, sinh viên năm thứ 2, du học sinh đến từ Trung Quốc, cho biết nhiều sinh viên quốc tế không thực sự biết mọi thứ tại Mỹ hoạt động như thế nào. Vì vậy, những trò lừa đảo dễ dàng được thực hiện.

“Tôi nhận thấy khoảng 80% sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên năm nhất không biết về các vụ lừa đảo. Ngay cả khi sinh viên biết điều đó, họ lại không nhận ra khi chúng xảy đến", Wes Wang nói.

Theo UIPD, những kẻ lừa đảo thường đe dọa sinh viên theo hướng bắt giữ hoặc trục xuất. Thông thường, những kẻ này thường biết tên và thông tin cơ bản của sinh viên, vì vậy việc lừa đảo nghe có vẻ hợp pháp.

UIPD chỉ ra một số dấu hiệu cảnh báo, giúp sinh viên cảnh giác với các thủ đoạn mạo danh khi nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn từ người lạ:

  • Không có quan chức chính phủ nào đòi tiền qua điện thoại.
  • Kẻ lừa đảo thường đe dọa nạn nhân sẽ bị bắt giữ hoặc trục xuất, hoặc đe dọa nếu sinh viên cúp máy sẽ bị bắt giữ.
  • Thông thường, những kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu thanh toán dưới hình thức khác tiền mặt.
  • Một số trường hợp, kẻ lừa đảo sẽ hướng dẫn sinh viên đến một loạt ngân hàng để rút tiền mặt với số lượng ít để tránh bị phát hiện.
  • Những kẻ lừa đảo thường mạo danh số điện thoại của các cơ quan hợp pháp. Nếu nghi ngờ danh tính người gọi, sinh viên có thể gác máy và gọi đến số của cơ quan đó để xác minh.

UIPD khuyến cáo nếu sinh viên gặp bất kỳ cuộc gọi nào có dấu hiệu lừa đảo, họ nên dập máy và gọi cảnh sát.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du học sinh mất hơn 300.000 USD vì tin vào tin nhắn