Cùng với nhiều làng biển tại Quảng Bình, cư dân xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) có tập quán, tín ngưỡng tôn thờ cá voi.
Lịch sử làng Cảnh Dương ghi lại, năm 1809, cá bà dạt vào bờ biển Cảnh Dương rồi được người dân đưa vào miếu thờ. Năm 1907, một con cá voi gọi là cá ông dạt vào bờ biển xã này và cũng được người dân rước vào miếu Linh Ngư.
Theo nghiên cứu, hai bộ xương cá được thờ ở miếu Linh Ngư lâu đời nhất tại Việt Nam với chiều dài ước tính gần 27m, bề rộng gần 10m.
Hát dân ca làng biển Cảnh Dương và Múa bông chèo cạn. |
Trong tiềm thức người dân địa phương, cá voi không ít lần trợ giúp tàu thuyền của ngư dân trong làng vượt qua gió bão biển khơi. Chính vì thế, lễ cầu ngư như một dịp để bày tỏ lòng biết ơn với linh vật này.
Theo bà Lê Thị Ngọc Hà, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, ngoài lễ hội cầu ngư, xã Cảnh dương hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.
Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ đưa ra những giải pháp, phối kết hợp với người dân sớm đưa làng biển trở thành một địa điểm du lịch ăn khách.
Lễ hội cầu ngư tại xã Cảnh Dương là hoạt động văn hóa tín ngưỡng gắn liền với các cộng đồng dân cư vùng biển.
Lễ hội gửi gắm ước mong trời yên biển lặng, cầu cho ngư dân đi biển được mùa bội thu.
Đây còn là nét đẹp văn hóa địa phương, thể hiện truyền thống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn, tri ân những thế hệ góp công sức xây dựng nghề biển; là dịp để giáo dục thế hệ trong trong việc yêu quý, gìn giữ chủ quyền biển đảo tổ quốc.
Nét đặc sắc của lễ hội cầu ngư tại xã Cảnh Dương góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch, tạo nên một hình ảnh đô thị du lịch biển Quảng Bình ngày càng hiện đại văn minh nhưng vẫn đậm đà nét văn hóa truyền thống.