Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục có sửa đổi đáng chú ý liên quan đến phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc.
Cụ thể, dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 14 như sau:
“Điều 14. Phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc
1. Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc.
Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
2. Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước; quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục.
3. Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.
4. Gia đình, người giám hộ có trách nhiệm cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.
Nội dung “Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi” là điểm mới so với quy định hiện hành.
Thuyết minh tác động của sửa đổi này, Bộ GD&ĐT cho biết: Chính sách có tác động tích cực đối với nền kinh tế. Cha mẹ trẻ yên tâm tham gia lao động sản xuất (đặc biệt là phụ nữ), tăng cường thêm số lượng sản phẩm và tăng năng suất lao động, phát triển tốt nền kinh tế.
Theo các nghiên cứu khoa học, trẻ em học qua mầm non có thể tăng thu nhập cho bản thân gấp 8 lần trẻ em không qua bậc học mầm non. Hội đồng Cố vấn kinh tế của Tổng thống Mĩ đã chứng minh, 1$ đầu tư cho giáo dục 1 trẻ em ở giai đoạn đầu đời có chất lượng sẽ phát sinh lợi nhuận tích lũy là 8,60$ khi đứa trẻ đó trưởng thành.
Các nghiên cứu về giáo dục mầm non trên thế giới đều có chung kết luận rằng, đảm bảo tiếp cận công bằng với giáo dục mầm non có chất lượng là một trong những khoản đầu tư quan trọng nhất của xã hội.
Trẻ em độ tuổi mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi ra lớp là phù hợp nhu cầu học tập, giao tiếp và phát triển. Không đầu tư vào giai đoạn đầu đời là nguyên nhân trẻ em có sức khỏe kém, ít kỹ năng học tập hơn, tỷ lệ bỏ học cao hơn ở cấp học tiếp theo. Việc này còn dẫn tới một nền kinh tế yếu hơn và gia tăng gánh nặng lên các hệ thống y tế, giáo dục và phúc lợi trong thời gian tiếp theo.
Tuy nhiên, chính sách này sẽ làm phát sinh chi phí từ ngân sách Nhà nước để thực hiện chính sách cho trẻ em mẫu giáo, tuyển dụng giáo viên và hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cấp học mầm non thực hiện nhiệm vụ phổ cập; đầu tư phòng học và thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non.
Tác động về xã hội: Trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi ra lớp đảm bảo quyền lợi của trẻ em theo Luật Trẻ em. Trẻ em mẫu giáo ở các vùng, miền trên toàn quốc, đặc biệt là các đơn vị khó khăn, trẻ em yếu thế đều được quan tâm, huy động đến trường/lớp mầm non. Từ đó, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục sẽ giảm sự chênh lệch giữa các vùng miền…
Trẻ em mẫu giáo được tiếp cận giáo dục sớm, cha mẹ trẻ em sẽ phấn khởi, yên tâm công tác, lao động sản xuất khi con em mình được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Việc bổ sung đối tượng trẻ em mẫu giáo 3 đến 5 tuổi vào đối tượng phổ cập tại Điều 14 của Luật Giáo dục còn là điều kiện đảm bảo để nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới theo Nghị quyết số 42-NQ/TW, Nghị quyết số 41/2021/QH15; khắc phục những khó khăn, bất cập trong thực hiện chính sách cho trẻ em.
Trẻ em mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi được ra lớp sớm hơn, nhiều hơn sẽ được chuẩn bị tiếng Việt, giúp trẻ sẵn sàng vào lớp 1 và học tập tốt hơn ở các bậc học tiếp theo; từ đó góp phần nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi...