Sửa đổi quy định về thẩm quyền biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương là nội dung mới khi sửa Luật Giáo dục.
Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, tài liệu giáo dục địa phương không phải là sách giáo khoa. Giao Giám đốc Sở GD&ĐT tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định và UBND cấp tỉnh phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương.
Quy định này phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương; chủ trương phân cấp, phân quyền của Đảng và Nhà nước; tinh thần “Bộ không làm thay cho địa phương”, được thể hiện tại nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ.
Việc này cũng giúp địa phương chủ động hơn trong quản lý nội dung giáo dục gắn với đặc thù, đồng thời cắt giảm được thủ tục hành chính, giảm áp lực cho Bộ GD&ĐT trong công tác phê duyệt học liệu mang tính địa phương hóa.
Theo quy định hiện hành, tài liệu giáo dục địa phương do UBND cấp tỉnh tổ chức biên soạn đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương, được hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Cụ thể, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh là tổ chức thẩm định tài liệu theo quy định; đề nghị Bộ GD&ĐT phê duyệt tài liệu; chỉ đạo cơ quan quản lý giáo dục lại địa phương hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng tài liệu trong dạy học theo quy định; bảo đảm nguồn kinh phí, cơ sở vật chất để tổ chức thẩm định tài liệu; công khai, minh bạch các thông tin về việc biên soạn, thẩm định tài liệu.
Trách nhiệm của Sở GD&ĐT là tham mưu UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định tài liệu; lập hồ sơ đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét, phê duyệt tài liệu theo quy định; hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng tài liệu sau khi được Bộ GD&ĐT phê duyệt; tổng hợp các ý kiến góp ý trong quá trình sử dụng tài liệu (nếu có), báo cáo UBND cấp tỉnh để xem xét, giải quyết.