Theo ông Toản, các khoản vay cũ tới nay hầu hết đã hết ưu đãi lãi suất nên vẫn dao động ở mức 13%/năm, rất cao. Do đó, nhà đầu tư sẽ tiếp tục bán bất động sản để xử lý các khoản nợ.
Đối với việc giảm lãi suất khoản vay mới, Tổng giám đốc EZ Property cho rằng, chỉ tác động một phần tới giao dịch trên thị trường. Hầu hết các giao dịch sẽ đến từ các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực. Tuy nhiên, số lượng giao dịch này sẽ không đáng kể vì tâm lý mọi người đều vẫn trong trạng thái nghe ngóng.
Theo TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), việc giảm lãi suất là tin tốt cho thị trường, song không quyết định hoàn toàn việc thị trường bất động sản sôi động trở lại.
“Vấn đề quan trọng hiện nay là rất nhiều dự án vẫn chưa tháo gỡ xong pháp lý, nguồn hàng chất lượng trên thị trường không có nhiều. Do đó, dù giảm lãi suất, tiền ra thị trường nhưng không có hàng hóa để mua. Theo tôi vấn đề gốc rễ vực dậy thị trường vẫn cần giải quyết triệt để các vấn đề về pháp lý. Đây là vấn đề mấu chốt để thị trường bất động sản phát triển bền vững, lành mạnh”, ông Đính nói.
Còn về việc giảm lãi suất cho các khoản vay cũ, vị này cho rằng, điều này sẽ giúp áp lực tài chính của các nhà đầu tư bất động sản giảm xuống. Theo đó, có thể tình trạng bán giảm giá, bán bất chấp, đặc biệt là phân khúc đất nền, sẽ ít đi.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Đức Toản nhận định, hiện nay thị trường bất động sản có một số vấn đề khó khăn lớn. Thứ nhất, bất động sản có đặc thù là tâm lý đám đông quyết định. Do đó mới xảy ra tình trạng lúc giá tăng tranh nhau mua, còn hiện nay giá giảm nhưng người mua vẫn rất thờ ơ.
Thứ hai, không chỉ bất động sản mà các ngành kinh tế khác đang rất khó khăn. Do đó, nguồn tiền từ các ngành khác vào bất động sản rất hạn hẹp. “Kể cả lãi suất thấp thì người mua họ cũng cần có nguồn thu từ các ngành để duy trì việc thanh toán”, ông Toản nói.
Thứ ba, pháp lý đang là vấn đề lớn nhất, gốc rễ của thị trường bất động sản. Những vướng mắc này khiến nguồn cung bất động sản ngày càng xuống thấp, đặc biệt ở hai thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM.
Thứ tư, giá bán hiện nay rất cao, nguyên nhân dẫn tới việc này từ nguồn cung thấp. Từ việc giá cao đã tác động khiến thanh khoản ở mức thấp. “Nếu tiếp tục duy trì tình trạng này có thể sẽ xảy ra nghịch lý, giao dịch không có nhưng giá vẫn cao chót vót”, ông Toản nói.