Du lịch Đà Nẵng cần hướng tới cao cấp và siêu cao cấp

Ánh Dương | 10/08/2023, 17:13
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

"Để khai thác tốt các thế mạnh của địa phương, nâng tầm điểm đến và tăng doanh thu, chiến lược phát triển du lịch Đà Nẵng cần hướng tới các du khách giàu và siêu giàu", TS Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) nhận định.

Nhiều khảo sát cho thấy Đà Nẵng là đang là điểm đến hấp dẫn bậc nhất mùa hè 2023, đặc biệt khi Lễ hội pháo hoa quốc tế DIFF 2023 diễn ra, xin ông đánh giá về bức tranh tổng quan du lịch Đà Nẵng hiện nay?

Với diện tích bằng một nửa TP HCM, Đà Nẵng là thành phố có sông, núi, biển với cảnh quan thiên nhiên rất đẹp và hấp dẫn đối với du khách. Hiếm có thành phố nào ở nước ta có hệ sinh thái du lịch đa dạng như Đà Nẵng. Đà Nẵng lại còn nằm giữa ba di sản văn hóa thế giới là cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn, với khoảng cách du khách có thể đi về trong ngày. Để phát triển kinh tế du lịch, hiếm địa phương nào ở nước ta có những điều kiện thuận lợi như Đà Nẵng.

Trong những năm gần đây, Đà Nẵng quan tâm phát triển rất mạnh hạ tầng du lịch. Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort 4 lần được Hiệp hội du lịch quốc tế WTA vinh danh là khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới, năm 2017 được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC, đồng thời là điểm đến quen thuộc của giới siêu giàu trên thế giới. Khu du lịch Sun World Ba Na Hills cũng được WTA vinh danh là khu du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới, với Cầu Vàng từng làm khuynh đảo truyền thông quốc tế ngay từ khi ra mắt và có sức hút du lịch rất mạnh. Công viên suối nước nóng núi Thần Tài, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng DIFF cũng là những điểm nhấn ấn tượng đối với du khách nội địa và quốc tế.

Sở hữu điều kiện tự nhiên và hạ tầng cơ sở chất lượng, chiến lược phát triển du lịch Đà Nẵng cần chú trọng tới phân khúc nào, thưa ông?

Với 3,5 triệu du khách quốc tế đến Đà Nẵng trong năm 2019 (năm trước đại dịch Covid), Đà Nẵng là điểm đến du lịch quốc tế lớn thứ ba và điểm đến du lịch biển lớn nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, nhìn vào cấu trúc du khách quốc tế đến Đà Nẵng, tỷ trọng du khách là người giàu, siêu giàu còn rất nhỏ. Du khách quốc tế đến Đà Nẵng phổ biến vẫn là các phân thị bình dân. Hai thị trường nguồn lớn nhất là Hàn Quốc và Trung Quốc, chiếm tới 70% tổng du khách quốc tế, tiếp đến là ba thị trường Thái Lan, Nhật Bản và Mỹ (chiếm khoảng 15%).

Để khai thác tốt các thế mạnh của du lịch Đà Nẵng, nâng tầm điểm đến và tăng doanh thu bình quân của du khách quốc tế, chiến lược phát triển du lịch Đà Nẵng cần hướng tới các du khách giàu và siêu giàu. Đây không phải là mục tiêu của riêng du lịch Đà Nẵng, mà của du lịch Việt Nam nói chung, song Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa hơn các địa phương khác.

Du lịch Đà Nẵng cần hướng tới cao cấp và siêu cao cấp - Ảnh 1.

Du lịch Đà Nẵng sở hữu nhiều lợi thế để hút dòng khách giàu và siêu giàu. Ảnh Sun Group

Thu hút dòng khách cao cấp hay thậm chí siêu cao cấp luôn là bài toán hóc búa của ngành du lịch, còn những điểm nghẽn nào kìm hãm mục tiêu này và ông có đề xuất giải pháp gì trong thời gian tới?

Để biến Đà Nẵng thành điểm đến của du khách giàu và siêu giàu, Đà Nẵng cần đặt ra và giải quyết (hoặc thúc đẩy giải quyết) một số vấn đề quan trọng như sau:

Thứ nhất, cần đầu tư một số hạng mục hạ tầng du lịch cao cấp như bến du thuyền đẳng cấp quốc tế; mở rộng sân bay Đà Nẵng với nhà ga hành khách mới hiện đại, nhà ga VIP và sân đỗ dành cho các máy bay phản lực tư nhân, trực thăng. Cần có giải pháp để ở Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung sớm có trực thăng du lịch cao cấp, trực thăng y tế vì đây là các dịch vụ mà giới nhà giàu nước ngoài muốn có ở các điểm đến du lịch của họ.

Thứ hai, phát triển một số dự án BĐS siêu giàu, với những dinh thự xây trên đất rộng nhiều hecta theo thiết kế tùy chọn, thời hạn sử dụng đất đủ dài, để bán cho giới siêu giàu trên thế giới – những người sẽ mang du thuyền, máy bay phản lực tư nhân của họ đến Đà Nẵng mỗi năm nhiều lần. Nếu chúng ta làm được điều này với một số tỷ phú nước ngoài, thương hiệu du lịch Đà Nẵng sẽ được nâng tầm một cách đáng kể. Việc khuyến khích bán BĐS cho người giàu nước ngoài là chính sách của nhiều nước trên thế giới (một số người giàu Việt Nam cũng mua BĐS ở nước ngoài).

Thứ ba, phát triển mạnh kinh tế đêm, chủ yếu là các hoạt động phục vụ du lịch, phát triển nhiều không gian du lịch có thể hoạt động 24/24 như Bà Nà Hills, Công viên châu Á. Phát triển các dịch vụ du lịch dọc theo hai bờ sông Hàn theo cách tiếp cận mọi không gian giáp nước phải là công cộng, không có rào chắn. Sông Hàn nên có đường đi bộ (riverwalk) dài hàng km với nhiều cây xanh dọc hai bờ sông.

Du lịch Đà Nẵng cần hướng tới cao cấp và siêu cao cấp - Ảnh 2.

Đà Nẵng cần bổ sung thêm các BĐS đô thị chất lượng cao. Ảnh phối cảnh minh họa Sun Group

Thứ tư, ở tầm dịch vụ, cần thiết kế và tiếp thị nhiều dịch vụ phục vụ các đối tượng giàu, siêu giàu như đám cưới VVIP, sinh nhật VVIP, các bữa tiệc cao cấp với các đầu bếp hạng sao Michelin.

Và cuối cùng là việc cải thiện chính sách visa du lịch. Mới đây nhất, Quốc hội đã có quyết sách về việc này, nâng thời hạn thị thực điện tử (e-visa) từ 30 lên 90 ngày.

Với những cải cách mạnh mẽ như vậy, liệu Đà Nẵng có thể tham chiếu bài học thành công nào để áp dụng vào thực tiễn hay không, thưa ông?

Rất khó tìm được một thành phố nhiệt đới với các điều kiện tương tự Đà Nẵng để học hỏi về phát triển du lịch, nhưng về du lịch siêu giàu có thể nhìn những gì có ở các điểm đến du lịch nổi tiếng ở Địa Trung Hải (Ý, Tây Ban Nha, Monaco, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ…) và các quốc đảo vùng Ca-ri-bê là những nơi giới siêu giàu kéo đến với các siêu du thuyền, máy bay phản lực tư nhân (đặc biệt là trong đại dịch Covid-19), cũng là những nơi giới siêu giàu chi nhiều tiền mua những dinh thự lộng lẫy.

Ví dụ như vị tỷ phú người Anh Richard Branson đã mua hẳn hòn đảo Necker rộng 30ha ở quốc đảo British Virgin Islands (BVI) để làm nơi nghỉ dưỡng và làm việc từ xa. Những người giàu di chuyển đến những điểm du lịch cao cấp đó với du thuyền, máy bay tư nhân siêu sang của họ cùng gia đình, bạn bè, đối tác và tất nhiên không nước nào bắt họ phải xin visa. Người giàu không hề tiếc mấy chục USD phí visa, nhưng họ muốn các quốc gia điểm đến đối xử với họ một cách dễ chịu và việc miễn visa là một trong những cách các quốc gia thể hiện sự tôn trọng đối với họ.

Một "quốc gia – thành phố" nhỏ như Singapore, có diện tích bằng 2/3 Đà Nẵng, điều kiện tự nhiên không đa dạng bằng, nhưng có số lượng du khách quốc tế nhiều hơn cả nước Việt Nam (năm 2019 Singapore đạt hơn 19 triệu khách quốc tế, so với 18 triệu khách vào Việt Nam) và có doanh thu du lịch quốc tế cao hơn cả nước Việt Nam. Đó là điều chúng ta cần trăn trở và hành động./.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du lịch Đà Nẵng cần hướng tới cao cấp và siêu cao cấp