Giáo dục

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học: Chặn tổ hợp lạ

17/01/2025 11:29

Một trong những điều chỉnh của Dự thảo Quy chế tuyển sinh là tổ hợp tuyển sinh ít nhất phải có một môn quan trọng là Ngữ văn hoặc Toán...

Một trong những điều chỉnh của Dự thảo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (Dự thảo Quy chế) là, tổ hợp tuyển sinh ít nhất phải có một môn quan trọng là Ngữ văn hoặc Toán.

Điều chỉnh kỹ thuật

Trao đổi về vấn đề trên, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, những nội dung sửa đổi còn lại của Dự thảo Quy chế chủ yếu mang tính kỹ thuật. Mục đích để các trường không đưa ra quá nhiều tổ hợp tuyển sinh cho một ngành, nhóm ngành đào tạo. Theo đó, dự thảo quy định tổ hợp tuyển sinh ít nhất phải có một môn quan trọng là Ngữ văn hoặc Toán - môn thi bắt buộc tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Điểm môn học này cũng phải chiếm tỷ trọng nhất định và quan trọng trong các tổ hợp.

Bà Nguyễn Thu Thủy lưu ý, trọng số của các môn chung giống nhau giữa các tổ hợp phải chiếm ít nhất 50%. Qua đó để thấy, đây là những môn tiên quyết quy định về phẩm chất, năng lực cần thiết của thí sinh khi ứng tuyển vào ngành học đó. Không phải bất kỳ môn nào cũng có thể áp dụng tuyển sinh trong một ngành đào tạo. “Đơn cử, ngành đào tạo kỹ thuật nhưng áp dụng cả môn Văn, Sử, Địa và Toán, Lý, Hóa để tuyển sinh là không đúng bản chất việc dựa vào năng lực, phẩm chất cần thiết cho ngành, lĩnh vực đào tạo đó”, bà Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

Thời gian qua, việc xét tuyển dựa trên chỉ tiêu của từng phương thức mà không dựa trên đối sánh, quy đổi tương đương đã gây mất công bằng giữa các thí sinh. Do đó, quy định sửa đổi làm tăng trách nhiệm của cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh, phải nghiên cứu thấu đáo để không còn tình trạng chênh lệch điểm trúng tuyển bất hợp lý giữa các tổ hợp xét tuyển, giữa phương thức xét tuyển mà không có căn cứ giải thích.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh thi 2 môn bắt buộc Toán và Ngữ văn; 2 môn lựa chọn nằm trong các môn: Hóa, Lý, Sinh, Địa, Sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đề xuất, cần quy định thống nhất các tổ hợp xét tuyển hợp lý, kiên quyết loại tổ hợp lạ. Bộ GD&ĐT cần quy định về đánh giá chất lượng của các phương thức tuyển sinh của trường đại học theo kết quả học tập của sinh viên trong quá trình đào tạo và chuẩn đầu ra theo các phương thức tuyển sinh để kiểm soát chất lượng.

chan-to-hop-la-1.jpg
Một hoạt động tư vấn xét tuyển đại học năm 2024. Ảnh: TG

Nâng chất nguồn tuyển

Ngoài ra, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, cần loại bỏ các phương thức tuyển sinh không bảo đảm chất lượng đầu vào với ngành được đào tạo của cơ sở giáo dục đại học; đồng thời yêu cầu đơn vị giải trình việc lựa chọn tổ hợp môn học, bài thi đánh giá năng lực của các kỳ thi riêng được sử dụng để xét tuyển sinh. Qua đó, bảo đảm chuẩn đầu vào năng lực cơ bản để học tập thành công ở bậc đại học.

Chỉ riêng năm 2023, 2024 có khoảng 20 phương thức xét tuyển đại học. Thực trạng này khiến Bộ GD&ĐT lưu ý cơ sở giáo dục đại học, khi xây dựng đề án tuyển sinh cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành, tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh. Từ thực tiễn khách quan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tán thành với điều chỉnh kỹ thuật về tổ hợp xét tuyển mà Bộ GD&ĐT đã phân tích.

Một trong những điều mới của Dự thảo Quy chế là, các môn Toán và Ngữ văn là môn bắt buộc trong tổ hợp xét tuyển. Tán thành với đề xuất này, thầy Nông Ngọc Trọng - giáo viên Trường THPT An Mỹ (Bình Dương) kiến nghị, với các môn chung phải chiếm tối thiểu 50%. Nghĩa là, trong các tổ hợp xét tuyển đó, có ít nhất hai môn chung hoặc một môn có hệ số để đảm bảo 50% tổ hợp xét tuyển.

Theo dự thảo, đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (bao gồm điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi môn tốt nghiệp THPT, chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả đánh giá khác), Bộ GD&ĐT quy định tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn. Các môn này cần phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn Toán hoặc Ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm.

Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn để xét tuyển. Khi đó, số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm. ThS Hoàng Thúy Nga - chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) dẫn ví dụ, nếu cơ sở đào tạo sử dụng tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), B00 (Toán, Hóa, Sinh) thì được cho là phù hợp vì có các môn chung. Quy định này tránh tình huống trường sử dụng tổ hợp lạ trong xét tuyển như thời gian vừa qua.

Năm 2025, các tổ hợp xét tuyển của Đại học Bách khoa Hà Nội giữ ổn định, không thay đổi so với năm 2024. PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc cho biết, các tổ hợp xét tuyển của trường giữ ổn định, không thay đổi so với năm 2024. Các tổ hợp môn xét tuyển của Đại học Bách khoa Hà Nội gồm những môn truyền thống, cốt lõi, bảo đảm chất lượng đầu vào tốt và phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của các ngành đào tạo.

Trường ĐH Giao thông Vận tải dự kiến giữ nguyên chỉ tiêu đào tạo chung trong toàn trường nhưng sẽ điều chỉnh để ưu tiên cho các ngành/chương trình đào tạo liên quan đến lĩnh vực đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị, vi mạch - bán dẫn. TS Phạm Thanh Hà - Trưởng phòng Đào tạo cho biết, nhà trường giữ ổn định phương thức và tổ hợp xét tuyển như năm trước. Tuy nhiên, sau khi Bộ GD&ĐT chính thức ban hành Quy chế tuyển sinh năm 2025, trường sẽ điều chỉnh cho phù hợp để đảm bảo tính công bằng và hiệu quả trong tuyển sinh.

Nhấn mạnh nguyên tắc trong giáo dục nói chung và tuyển sinh nói riêng, bà Nguyễn Thu Thủy trao đổi, quyền tự chủ nói chung và tự chủ tuyển sinh nói riêng của cơ sở giáo dục đại học theo luật định phải gắn chặt với trách nhiệm xã hội, trước hết cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong giáo dục. Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh là công cụ quản lý Nhà nước để điều chỉnh việc này.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/du-thao-quy-che-tuyen-sinh-dai-hoc-chan-to-hop-la-post716182.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/du-thao-quy-che-tuyen-sinh-dai-hoc-chan-to-hop-la-post716182.html
Bài liên quan
Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học: Bổ sung nhiều điểm mới
Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học được Bộ GD&ĐT đăng tải công khai, lấy ý kiến rộng rãi.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học: Chặn tổ hợp lạ