Dự thảo Quy chế tuyển sinh: Điều chỉnh có lợi cho thí sinh

Hải Minh | 23/04/2022, 06:02
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2022. Dự thảo có nhiều điểm mới theo hướng có lợi cho thí sinh.

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non có nhiều điểm mới có lợi cho thí sinh. Ảnh minh họa: TGDự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non có nhiều điểm mới có lợi cho thí sinh. Ảnh minh họa: TG

Công bằng, thuận lợi

Theo TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, một trong những điểm mới của dự thảo Quy chế tuyển sinh năm nay là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Theo đó, từ việc đăng ký thi, xét tuyển, lọc ảo, nhập học đều được áp dụng theo hình thức trực tuyến. Điều này không những phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số trong giáo dục, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, hạn chế những sai sót không đáng có từ việc đăng ký các thủ tục bằng bản giấy. Tuy nhiên, các trường sẽ có trách nhiệm đối chiếu dữ liệu bản mềm với bản cứng để đảm bảo tính xác thực.

TS Lê Trường Tùng cũng ủng hộ phương án tất cả nguyện vọng của thí sinh đăng ký vào cơ sở giáo đại học (dù là bất kỳ phương thức nào) cũng phải đăng ký trên hệ thống. Sau khi có kết quả thi THPT, các trường phải đẩy dữ liệu lên hệ thống chung để lọc ảo. Khi lọc ảo, thí sinh sẽ trúng tuyển nguyện vọng cao nhất. Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, Bộ quy định các trường khi điều chỉnh chỉ tiêu cho phương thức khác nhau phải có lộ trình.

Nhấn mạnh dự thảo Quy chế tuyển sinh năm nay có nhiều điểm mới, TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) – nhìn nhận: Những điều chỉnh lần này có lợi cho thí sinh. Tuy nhiên, các em cũng cần lưu ý: Việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển đại học sẽ tách rời nhau. Năm ngoái, việc này được thực hiện cùng một đợt.

Ngoài ra, thí sinh đăng ký xét tuyển, dù bằng phương thức riêng nhưng vẫn phải đăng ký trên cổng thông tin theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Năm nay, việc xác nhận nhập học, thí sinh phải đợi đến đợt xét tuyển chung của Bộ. Theo đó, các trường có thể xét tuyển theo phương thức riêng nhưng không được xác nhận nhập học sớm như các năm trước.

Thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường đại học. Ảnh minh họa: TG

Những thay đổi cần lưu ý

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) – khẳng định: Dự thảo Quy chế tuyển sinh có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cả thí sinh, cơ sở đào tạo trong quá trình tuyển sinh. Bộ dự kiến, sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển vào đại học trong khoảng thời gian cho phép. Thay đổi này giúp thí sinh tiết kiệm được thời gian và công sức cũng như giảm sức ép trong quá trình ôn, dự thi tốt nghiệp THPT.

Một điểm mới nữa là, các nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh dù là theo phương thức nào (bằng học bạ, bằng điểm thi tốt nghiệp THPT…) đều được đưa vào một hệ thống, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Sau đó, hệ thống hỗ trợ lọc ảo dựa trên thứ tự này để xét tuyển nguyện vọng nhằm hạn chế thí sinh ảo. Các cơ sở đào tạo cũng xác định được đúng số lượng thí sinh trúng tuyển theo mong muốn.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sẽ có những yêu cầu để cơ sở đào tạo phải tạo công bằng với thí sinh. Chẳng hạn, nếu trường có nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau sẽ phải giải trình vì sao lại phân bổ chỉ tiêu như vậy. Ngoài ra, điểm mới thuận lợi cho thí sinh là: Điểm học tập của các em ở bậc THPT sẽ được cập nhật đồng bộ trên hệ thống thi và xét tuyển. Vì vậy, thí sinh không phải xin xác nhận từ trường THPT hay photo công chứng để xét tuyển. Các cơ sở tuyển sinh có thể xem điểm học bạ của thí sinh trên hệ thống này. Nhờ đó, giảm thiểu được công sức, chi phí trong nộp hồ sơ xét tuyển.

PGS Nguyễn Thu Thủy nhắn nhủ, thí sinh có thể yên tâm với phương hướng đang ôn luyện hiện tại. Nếu các em xét tuyển bằng các phương thức khác như: Thi đánh giá năng lực, xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế vẫn tiếp tục thực hiện như bình thường để tăng cơ hội trúng tuyển. Bộ sẽ có những hướng dẫn cụ thể, đầy đủ nhất quy trình đăng ký xét tuyển.

“Khi đã có hướng dẫn, thí sinh nên thực hiện đúng, đủ quy trình. Nếu bỏ sót hay không hoàn thiện đến bước cuối sẽ bị hủy thông tin đăng ký dẫn đến mất quyền lợi sau này” - PGS Nguyễn Thu Thủy lưu ý, đồng thời nhấn mạnh: Thí sinh đưa ra quyết định ngành nghề cần căn cứ vào năng lực, sở trường, điều kiện của gia đình để có lựa chọn đúng đắn nhất.

TS Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội - trao đổi: Thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về đăng ký xét tuyển; trong đó cần theo dõi điểm xét tuyển theo từng khối thi mà mình dự định đăng ký, vì chỉ cần lệch 0,1 điểm có thể không trúng tuyển vào nguyện vọng mình mong muốn. Vì thế, khi quyết định chọn tổ hợp môn nào, vào ngành nào cần theo dõi kỹ đề án tuyển sinh từng trường, vì các trường có những tổ hợp xét khác nhau trong cùng một ngành đào tạo.

Tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2022, TS Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên viên chính Vụ Giáo dục Đại học – cho hay: Hiện, các cơ sở giáo dục cơ bản đã hoàn thành học bạ điện tử. Bộ GD&ĐT đề nghị các sở rà soát toàn bộ điểm học bạ để đưa dữ liệu lên hệ thống. Năm nay, thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ không cần phải gửi bản sao học bạ cho các trường, vì đã có sẵn dữ liệu. Các trường đại học chỉ cần lên hệ thống lấy thông tin về điểm của thí sinh để xét tuyển.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự thảo Quy chế tuyển sinh: Điều chỉnh có lợi cho thí sinh