Theo ông Trần Tuấn Khanh, hiện việc xét công nhận tốt nghiệp THCS thực hiện theo Quyết định 11/2006/QĐ-BGD&ĐT. Quy chế mới xây dựng nhằm đáp ứng việc xét tốt nghiệp THCS thời gian tới, đặc biệt năm học 2024 - 2025 sẽ có đợt học sinh lớp 9 đầu tiên học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tốt nghiệp. Về cơ bản, dự thảo mới không có quá nhiều thay đổi so với quy chế hiện hành; chủ yếu khác về điều kiện người học được công nhận tốt nghiệp cho phù hợp chương trình mới như xếp loại rèn luyện và học tập…
Với điểm mới, bên cạnh số lần xét tốt nghiệp, ông Trần Tuấn Khanh đặc biệt nhấn mạnh khác biệt khi bằng tốt nghiệp THCS hiện hành xếp thành 3 loại: Giỏi, khá, trung bình, căn cứ vào xếp loại hạnh kiểm và học lực. Tuy nhiên theo dự thảo, bằng tốt nghiệp THCS không còn quy định về ghi xếp loại.
Ngoài ra, quy chế hiện hành giao UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ra quyết định thành lập hội đồng xét công nhận tốt nghiệp THCS cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo đề nghị của trưởng phòng GD&ĐT. Trong khi đó, tại dự thảo, trưởng phòng GD&ĐT được giao ra quyết định thành lập Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp của cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý. “Cá nhân tôi thống nhất hoàn toàn với dự thảo”, ông Trần Tuấn Khanh nêu quan điểm.
Với thầy Nguyễn Tiến Dũng, không quy định cụu thể xếp loại tốt nghiệp, chỉ công nhận hoàn thành chương trình THCS cũng là điểm mới đáng chú ý. Thay đổi này phù hợp xu thế hiện nay.
Tuy nhiên, thầy Dũng băn khoăn, đó là chính sách ưu tiên quy định khá chung chung “Người học được hưởng các chính sách ưu tiên theo quy định về đánh giá kết quả rèn luyện, học tập của Bộ GD&ĐT và chính sách ưu tiên khác theo quy định hiện hành”, do đó nên làm rõ hơn. “Quy định hiện hành, chính sách ưu tiên, khuyến khích và điều kiện, tiêu chuẩn công nhận tốt nghiệp được quy định cụ thể, chi tiết”, thầy Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
Cô Phạm Thanh Thúy - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, TP Hải Phòng) cũng bày tỏ băn khoăn với điểm mới này. Lý do, nếu không xếp loại tốt nghiệp thì vấn đề định hướng, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS sẽ khó khăn. Xếp loại là căn cứ chính đánh giá lực học của học sinh để phụ huynh, giáo viên làm công tác tư vấn.
Tuy nhiên, cô Lê Thị Ngọc Dung - nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Quản Cơ Thành cho rằng, việc không xếp loại tốt nghiệp THCS không ảnh hưởng nhiều đến công tác phân luồng. Thực tế, sau khi tốt nghiệp THCS, đa số học sinh tham gia thi tuyển (hoặc xét tuyển) vào lớp 10 THPT; hoặc vào học tại trung tâm giáo dục thường xuyên, trung cấp nghề - cả hai đều không xét đến xếp loại tốt nghiệp.
Các trường THPT, trường chuyên muốn phân loại học sinh vào lớp dựa vào kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10, hoặc kết quả khảo sát riêng từng trường. “Tôi đồng tình với việc không xếp loại tốt nghiệp THCS. Lý do, nếu xếp loại cũng không có tác dụng gì nhiều với học sinh, hơn nữa thay đổi này phù hợp với mục tiêu của Chương trình GDPT 2018”, cô Lê Thị Ngọc Dung cho hay.
Dự thảo Quy chế xét tốt nghiệp THCS ghi rõ: Xét công nhận tốt nghiệp nhằm xác nhận trình độ học sinh và học viên của cơ sở giáo dục sau khi hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông hoặc giáo dục thường xuyên cấp THCS. Việc xét công nhận tốt nghiệp bảo đảm tính chính xác, công bằng, trung thực và khách quan; căn cứ vào kết quả rèn luyện và học tập năm học lớp 9 của người học.