Ngoài hoạt động ở tại trường, CLB công chiêng THCS Tam Thái còn tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ với CLB nghệ thuật của các bản làng như bản Lũng, bản Can… Đến nay, các thành viên trong câu lạc bộ biết đánh cồng chiêng và nhảy sạp rất thành thạo. Các hoạt động văn nghệ, chương trình ngoại khóa của nhà trường đều có sự tham gia của CLB như một phần không thể thiếu.
Từ ý thức đến hành động giữ gìn, phát huy bản sắc
Những năm qua, giáo dục văn hóa dân tộc được các trường học vùng cao Nghệ An được xem là nội dung quan trọng trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Việc đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vào trong tiết học, từng hoạt động của các trường học đã góp phần nâng cao ý thức, biến thành hành động thiết thực của học sinh trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Đặc biệt, trong các cuộc thi KHKT cấp huyện, tỉnh, nhiều nhóm học sinh vùng cao đã đưa việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc thành dự án có tính thiết thực, ứng dụng trong thực tiễn.
Nhóm học sinh Trường THPT Con Cuông (huyện Con Cuông, Nghệ An) đạt giải KHKT cấp tỉnh với dự án “Bảo tồn và phát huy nét đẹp trang phục truyền thống của dân tộc Thái”. Em Lô Thị Trà My – đại diện nhóm tác giả chia sẻ: Khi đi học, tiếp xúc và hội nhập với cuộc sống hiện đại, nhiều bạn học sinh người Thái không quan tâm nhiều đến trang phục truyền thống. Hoặc vẫn mặc váy, áo Thái nhưng lại không hiểu hết giá trị văn hóa trong đó. Vì thế, em muốn bảo tồn và phát huy trang phục Thái ngay từ ngôi trường của mình, với các bạn học xung quanh”.
Nhóm tác giả đã mạnh dạn xây dựng đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường nhiều giải pháp và được ủng hộ như: sinh hoạt ngoại khóa chủ đề trang phục dân tộc Thái; sưu tâm, trưng bày, giới thiệu váy, áo, khăn… trong phòng truyền thống; thăm làng nghề dệt thổ cẩm…
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền – giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Con Cuông chia sẻ: "Khi hướng dẫn học sinh thực hiện dự án, bản thân tôi cũng học hỏi được rất nhiều, đặc biệt là áp dụng cho tiết học chương trình địa phương. Tôi cũng hi vọng, qua nhiều hoạt động thực tế, và chương trình giáo dục lồng ghép trong các môn học, các em sẽ học hỏi và trân trọng, giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc mình".
Qua thống kê, nhiều dự án về nhóm lĩnh vực khoa học xã hội hành vi, liên quan đến bảo tồn phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số có tính khả thi, ứng dụng thực tiễn, được ban giám khảo cuộc thi KHKT tỉnh Nghệ An chấm đạt giải. Có thể kể đến các dự án: “Góp phần nâng cao nhận thức và bảo tồn các làn điều dân ca Thái” của học sinh Trường THCS DTNT huyện Quỳ Châu; “Bảo tồn và phát huy chữ viết, ngôn ngữ của dân tộc Thái” của học sinh Trường THCS Hạnh Thiết (huyện Quỳ Châu); “Bảo tồn và phát huy kho tàng truyện cổ tích người Mông” của học sinh Trường PT DTBT THCS Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn).