Sở GD&ĐT Hà Nội và các đơn vị, địa phương thống nhất ký kết thoả thuận hợp tác giáo dục di sản nhằm cung cấp cho học sinh kiến thức lịch sử Thăng Long - Hà Nội gắn với hoạt động trải nghiệm thực tế tại di tích, từng bước đưa di sản vào trường học.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh: Nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống lịch sử, văn hóa cho học sinh được ngành Giáo dục và hệ thống chính trị quan tâm. Thành phố có nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị, là nguồn tài nguyên quý báu trong công tác giáo dục học sinh.
Do đó, Sở GD&ĐT Hà Nội và các đơn vị, địa phương thống nhất thỏa thuận hợp tác tăng cường giáo dục di sản cho học sinh. Các đơn vị quản lý di tích, quận, huyện, thị xã sẽ tăng cường phối hợp, tạo điều kiện cho các nhà trường đưa học sinh đến học tập, tìm hiểu lịch sử truyền thống dân tộc. Phấn đấu đến năm 2025, trường học trên địa bàn Hà Nội tổ chức giáo dục di sản văn hóa tại khu di tích lịch sử, di sản văn hóa địa phương ít nhất 1 lần/năm học vào thời gian thích hợp.
Một yêu cầu của Sở GD&ĐT Hà Nội là các nhà trường hạn chế tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm di tích, địa điểm xa; có thể thực hiện ở di tích ngay tại địa phương mình sinh sống, học tập và trên cơ sở bảo đảm tốt nhất lợi ích người học.
“Hà Nội là cái nôi của di tích lịch sử văn hóa, không chỉ nhân dân cả nước mà du khách nước ngoài cũng muốn đến tham quan, tìm hiểu. Vì lẽ đó, các nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý di tích trên địa bàn Thủ đô tổ chức cho học sinh trải nghiệm, học tập bổ ích, lý thú, hiệu quả”, ông Trần Thế Cương nhấn mạnh.
Ủng hộ chương trình giáo dục di sản của Sở GD&ĐT Hà Nội, cô Trần Lệ Khanh - Hiệu trưởng Trường THCS Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) cho rằng, nhiều học sinh Hà Nội chưa biết rõ, thậm chí chưa một lần đặt chân đến di tích lịch sử văn hóa như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Trong khi đó, nhiều trường lại tổ chức cho các em đi tham quan ở tỉnh xa. Chưa nói đến chi phí, việc tổ chức đi trải nghiệm các tỉnh cách Hà Nội đến vài trăm cây số khiến phụ huynh lo lắng về sức khỏe cũng như sự an toàn của con em.
Vì vậy, khi ngành Giáo dục Hà Nội triển khai chương trình giáo dục di sản, ký kết với các đơn vị, di tích tại Hà Nội đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ từ thầy cô giáo, phụ huynh, nhất là trong bối cảnh triển khai Chương trình GDPT 2018, các nhà trường tăng cường hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh.
Chị Nguyễn Hồng Hạnh trú ở quận Long Biên (Hà Nội) chia sẻ: Nhiều trường học cho học sinh trải nghiệm ở xa khiến phụ huynh không yên tâm. Nay có chương trình giáo dục di sản của Hà Nội, tôi mong những địa điểm được nhà trường lựa chọn sau này sẽ ở gần nhà. Điều này vừa tăng hiểu biết cho học sinh về truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, vừa đảm bảo an toàn vì quãng đường di chuyển ngắn.