GDTĐ - Dự thảo kế hoạch phòng thủ khẩn cấp quốc gia khuyến khích người dân Đức tự làm hầm tránh bom…
Tờ Bild ngày 27/1 trích dẫn dự thảo “Kế hoạch tác chiến” (OPLAN) của Bộ Quốc phòng Đức đã hé lộ nhiều điều bất ngờ.
OPLAN dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2024, trong đó mô tả Đức là một "quốc gia trung chuyển" quan trọng để cung cấp vũ khí và thiết bị, thay vì một quốc gia “chiến đấu tích cực”.
“Vì thế, các binh sĩ sẽ được giao nhiệm vụ bảo vệ các tuyến cao tốc, nhà ga hay cảng biển quan trọng…”, tờ Bild cho biết.
Dự thảo còn nêu rõ chính phủ Đức sẽ phải dựa vào người dân hỗ trợ và thực hiện một số nhiệm vụ thường được giao cho quân đội và cảnh sát, bao gồm cả việc bảo vệ các nhà máy điện.
Hiện chỉ có 579 hầm tránh bom còn khả năng hoạt động ở Đức, vì vậy bản kế hoạch khuyến khích người dân tự xây dựng hầm trú ẩn an toàn ở những nơi như tầng hầm và nhà xe để đề phòng chiến tranh nổ ra ở châu Âu.
“Việc để chính phủ xây dựng các hầm trú ẩn tập trung mới ‘không còn khả thi’ do hạn chế về thời gian”, Tờ Bild dẫn lời lãnh đạo Văn phòng Bảo vệ Dân sự và Hỗ trợ Thiên tai Liên bang Đức Ralph Tiesler.
Đức cũng đang tìm cách bổ sung thêm binh sĩ, nhằm đối phó các mối đe dọa bắt nguồn từ cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga – Ukraine.
Dự thảo còn đặt mục tiêu tăng quy mô quân đội Đức từ 183.000 lên 203.000 quân vào năm 2031.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius hồi đầu tháng này tuyên bố rằng Nga có thể tấn công một quốc gia thuộc NATO "trong vòng 5 - 8 năm".
Nhưng trong phát biểu mới nhất, ông Pistorius, đính chính: "Hiện tại, tôi không thấy bất kỳ nguy cơ nào về một cuộc tấn công của Nga vào lãnh thổ của NATO hay bất kỳ quốc gia đồng minh với NATO", đài RT (Nga) dẫn lời ông Pistorius hôm 26/1.
Nga đã nhiều lần cáo buộc NATO làm dấy lên làn sóng lo sợ và gây căng thẳng ở châu Âu.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga Sergey Naryshkin gần đây đã lên tiếng bác bỏ những tuyên bố Moscow đang lên kế hoạch tấn công NATO, cho rằng đây là dạng "chiến tranh thông tin" của đối phương.