Đừng để "được lòng đất thì mất lòng đò"

Theo Văn Duẩn | 26/08/2023, 10:17
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để có đất thực hiện dự án là thỏa thuận mang tính dân sự, nhà nước không can thiệp bằng biện pháp hành chính để thu hồi đất đối với các trường hợp không thỏa thuận được

"Phải ngăn chặn chuyện đó. Tránh trường hợp không có trong quy hoạch nhưng lại muốn chạy quy hoạch; chạy quy hoạch xong thì ra quyết định thu hồi luôn" - Chủ tịch Quốc hội nói.

Không để "đầu dân sự, đuôi hành chính"

Về cơ chế xử lý đối với trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất không đạt được 100% (khoản 7 điều 127), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị không quy định về việc nếu như đã thỏa thuận được 80%, 20% còn lại chưa thỏa thuận được thì nhà nước đứng ra thu hồi.

"Hiện có 2 cơ chế thu hồi đất, đó là biện pháp hành chính và biện pháp thỏa thuận, tức là một bên hành chính, một bên dân sự. Bây giờ, chúng ta lại đưa ra một cơ chế thứ ba "đầu thì dân sự, đuôi thì hành chính". Đề nghị hết sức cân nhắc. Nếu thỏa thuận thì theo cơ chế thỏa thuận hoàn toàn, hành chính thì theo cơ chế hành chính hoàn toàn còn đầu dân sự, đuôi hành chính sẽ không bảo đảm quyền lợi và sẽ xảy ra khiếu kiện" - bà Lê Thị Nga nói.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị thực hiện đúng theo nguyên tắc mà UBTVQH đã kết luận trước đây. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là 1 trong 19 nhóm chính sách mà Ban Chỉ đạo Tổng kết trình Nghị quyết số 18-NQ/TW đã nêu ra và đưa ra thảo luận nhưng đã không được chấp nhận. "Nếu đã thỏa thuận được từ 80%, coi như xong rồi, nhà nước lại áp đặt hành chính thì đánh giá như thế nào? Được lòng đất thì mất lòng đò. Được số 20% này lại mất 80% đã xong trước đây" - Chủ tịch Quốc hội lưu ý và cho rằng nên hỗ trợ theo Luật Dân chủ cơ sở.

Cụ thể, trong trường hợp như vậy thì chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội cùng với nhà đầu tư cùng tháo gỡ những vướng mắc, những tâm tư, nguyện vọng trong khuôn khổ chính sách chung của nhà nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nhà đầu tư từ đầu phải có khung thỏa thuận với cấp ủy, chính quyền, địa phương. "Đôi khi người dân không thông, phải tuyên truyền, thuyết phục, tạo điều sinh kế, tái định cư… chứ không phải giải pháp về hành chính" - ông nhấn mạnh. 

Nhiều ý kiến tán thành giao Tổng LĐLĐ Việt Nam làm dự án nhà ở xã hội

Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Về quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân (khoản 3 điều 78), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết trong Thường trực Ủy ban Pháp luật có 2 loại ý kiến: Bên cạnh việc có ý kiến không đồng ý, nhiều ý kiến tán thành quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê theo đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam tại văn bản số 7177/TLĐ-BQLDA ngày 3-8-2023.

Do đây là các dự án nhà ở công nhân để cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài, nên cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn; làm rõ trình tự, thủ tục đầu tư theo pháp luật đầu tư hay pháp luật đầu tư công và hình thức sở hữu đối với nhà ở hình thành trong dự án để có cơ chế quản lý phù hợp... Do đó, đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong luật.

Theo Người lao động
https://nld.com.vn/kinh-te/dung-de-duoc-long-dat-thi-mat-long-do-20230825215941086.htm
Copy Link
https://nld.com.vn/kinh-te/dung-de-duoc-long-dat-thi-mat-long-do-20230825215941086.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng để "được lòng đất thì mất lòng đò"