Theo kinh nghiệm của thầy Hương, để học sinh tham gia BHYT, việc đầu tiên là làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của loại hình bảo hiểm này. “Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với UBND xã, các ban ngành đoàn thể và cơ quan bảo hiểm để tuyên truyền về quyền lợi khi tham gia nhằm tăng tính thực tiễn, khách quan. Qua đó, giúp phụ huynh hiểu và đồng thuận, tự nguyện mua bảo hiểm cho con em mình như một nhu cầu tự thân”, thầy Hương bật mí.
Tham gia BHYT là cách “đóng góp khi lành, để dành khi ốm”. Ảnh minh họa: INT |
Cũng theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Liên, khi có học sinh ốm đau phải dùng đến thẻ BHYT, bảo hiểm thân thể, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm và nhân viên y tế học đường hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa hoàn thiện các thủ tục hành chính để các em được thụ hưởng chính sách này. Đây cũng là cách truyền thông sinh động, giúp phụ huynh hiểu hơn về ý nghĩa nhân văn của BHYT, đồng thời yên tâm cho con em mình tha giam bảo hiểm.
Tại Hà Nội, theo thống kê của cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố, năm học 2020 - 2021, các cơ quan chức năng đã bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT nội trú cho hơn 67.800 lượt HSSV với chi phí bình quân của mỗi đợt điều trị gần 5 triệu đồng. Để hiện thực hóa mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, nhiều quận đã chủ động đưa chính sách đến từng đơn vị, trường học, phụ huynh, HSSV.
Cô Nguyễn Phương Hoa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: 100% học sinh đăng ký mua BHYT. Các em và phụ huynh được tiếp cận với chính sách BHYT qua ứng dụng VssID-BHXH số. Do đó, khi cần, học sinh có thể sử dụng thẻ BHYT điện tử để khám, chữa bệnh.
Trường ĐH Mở Hà Nội đã xây dựng tài khoản thanh toán cá nhân cho từng sinh viên. Việc đóng BHYT được thực hiện thông qua tài khoản này. Theo ông Lương Tuấn Long - Trưởng phòng Công tác chính trị và sinh viên, Trường ĐH Mở Hà Nội, từ khi BHYT HSSV trở thành bảo hiểm bắt buộc, nhà trường đã triển khai các hoạt động hỗ trợ, cũng như bảo đảm quyền lợi cho sinh viên. Thông qua phần mềm ứng dụng, khi sinh viên chuyển khoản, đơn vị trung gian gồm các ngân hàng sẽ chuyển về quỹ BHYT. Toàn bộ thông tin được hệ thống cập nhật trên ứng dụng rất thuận tiện và nhanh gọn.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm học 2021 - 2022, chính sách BHYT đã bao phủ đến 96% HSSV cả nước, với khoảng 18,8 triệu em tham gia. Toàn quốc đã có gần 19 triệu HSSV được bảo đảm và thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi BHYT theo quy định. Trong đó, nếu không may ốm đau, bệnh tật các em được quỹ BHYT thanh toán.
Ngoài ra, khi tham gia BHYT, nếu HSSV đi khám chữa bệnh đúng tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả 80% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi, quyền lợi được hưởng. Trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến, các em được hưởng theo quy định, mức hưởng BHYT: 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến Trung ương; 100% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh và 100% chi phí tại bệnh viện tuyến huyện.
Trước thềm năm học 2022 - 2023, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 4268/BGDĐT-GDTC về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường học. Theo đó, Bộ đề nghị sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp, tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền thực hiện BHYT HSSV. Bảo đảm quyền lợi được chăm sóc sức khỏe ban đầu của các em trong trường học. Qua đó, phấn đấu đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT.