Trường học loay hoay đối phó với dịch bệnh

Hồ Phúc | 29/09/2022, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Năm học 2022 - 2023, nhiều trường học trên địa bàn TPHCM còn thiếu nhân viên y tế trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng.

Khó tuyển dụng

Thầy Phan Minh Trung, Hiệu trưởng Trường THCS Gò Xoài (huyện Bình Chánh), cho biết, cách đây hơn 1 năm, nhân viên y tế của trường nghỉ việc. Để bổ sung vị trí này, nhà trường đã hợp đồng với một nhân viên khác, tuy nhiên người này có bằng cao đẳng dược không đúng với chuyên môn quy định. Vì vậy tháng 8 vừa qua, trường đã đăng ký tuyển nhân viên y tế cùng đợt với tuyển dụng giáo viên của địa phương, thế nhưng không có ai nộp hồ sơ ứng tuyển.

“Trường có 532 học sinh, phòng y tế cơ sở vật chất đầy đủ. Tuy nhiên do ở địa bàn ngoại thành, điều kiện khó khăn, trong khi đó thu nhập của nhân viên y tế không cao nên có trường hợp nhà trường tuyển dụng nhưng không lâu sau đó lại xin nghỉ chuyển ra làm ngoài”, thầy Trung nói.

Quận Tân Phú có 47 trường công lập thì thiếu 13 nhân viên y tế, chủ yếu là ở các trường mầm non. Tại cơ sở chưa có nhân viên y tế, nhà trường sẽ giao cho phó hiệu trưởng kiêm nhiệm. Ông Phan Sĩ Đạt, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú, cho biết:

“Vai trò của nhân viên y tế trường học rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng… phức tạp như hiện nay. Nhân viên y tế sẽ làm tốt công tác tham mưu cho nhà trường trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, hướng dẫn phòng chống các bệnh học đường, theo dõi hồ sơ sức khỏe; tham mưu công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, xử lý các tình huống liên quan đến sức khỏe học sinh”.

Tuy nhiên theo ông Đạt, tại quận Tân Phú hiện nay đa phần các trường mầm non đều không có nhân viên y tế, công việc này đều giao cho giáo viên kiêm nhiệm. Nguyên nhân là do Thông tư liên tịch 06 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập quy định chỉ được 2 người làm việc cho 4 vị trí gồm: Văn thư, y tế, kế toán, thủ quỹ. Vì thế đa số các trường mầm non, 2 nhân viên kế toán và văn thư kiêm nhiệm cho 4 vị trí trên.

Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình, nhìn nhận, khối lượng và áp lực công việc của nhân viên y tế trường học rất lớn, đặc biệt là thời điểm dịch bệnh phức tạp. Thế nhưng thu nhập còn thấp, vị trí việc làm này chưa thu hút nhân sự ứng tuyển. Về lâu về dài, để đội ngũ y tế học đường yên tâm công tác, gắn bó với trường, tận tụy chăm lo sức khỏe cho học sinh, cần có chính sách đãi ngộ thật tốt để thu hút nhân sự gắn bó lâu dài.

Theo Sở GD&ĐT TPHCM, trong tổng số 2.355 cơ sở giáo dục trên địa bàn hiện có 2.237 đơn vị bố trí người phụ trách công tác y tế trường học. Tuy vậy, hiện chỉ có 1.664 trường có nhân viên y tế học đường đủ chuyên môn, còn lại là kiêm nhiệm. Trong bối cảnh các loại dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc thiếu nhân viên y tế học đường khiến nhiều trường gặp khó khăn khi giáo viên vừa phải làm chuyên môn vừa kiêm nhiệm công tác y tế.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/truong-hoc-loay-hoay-doi-pho-voi-dich-benh-post609823.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/truong-hoc-loay-hoay-doi-pho-voi-dich-benh-post609823.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường học loay hoay đối phó với dịch bệnh