Khiến con sợ hãi
Một số phụ huynh cho rằng yêu thương đồng nghĩa với việc bắt con cái phải làm theo ý muốn, cảm xúc của mình. Nhiều đứa trẻ có thể cảm nhận được tâm trạng của cha mẹ thông qua tiếng bước chân, tiếng đặt đồ vật… Chúng luôn phải sống trong e dè, sợ hãi. Về phía cha mẹ, họ cho rằng họ đang làm tất cả vì lợi ích của con và con cái cần phải biết ơn, không được tỏ ra hoài nghi những việc làm đó.
Có thói quen đánh/ mắng con
Chúng ta đôi lúc mất bình tĩnh và trở nên nóng giận với 1 hành vi nào đó của trẻ. Những lúc như vậy, chúng ta thường la mắng, thậm chí đánh đau trẻ nhằm mong trẻ nhớ và không tái phạm.
Việc dùng lời chửi mắng hay đánh đòn roi là cách làm thiếu kỹ năng và thiếu khả năng kiềm chế của cha mẹ. Nó đã vô tình làm não bộ non nớt của những đứa trẻ hiểu rằng: làm đau ai đó bằng cách đánh hay gây tổn thương tinh thần ai đó bằng lời nói như chửi khi bực nhọc khó chịu là được phép, thậm chí với cả người họ yêu thương. Thay vì nó là công cụ răn đe thì nó lại trở thành công cụ khuyến khích những hành vi bạo lực ở trẻ.
Do đó, đứa trẻ thường học cách bạo lực với bạn bè và trở thành 1 người chồng/vợ bạo lực sau này với những người yêu thương của trẻ như vợ/chồng con cái.
Muốn con phải có trách nhiệm như người lớn
Một số phụ huynh thường "san sẻ" trách nhiệm của họ lên đôi vai con cái. Ví dụ như khiến con nghĩ rằng chúng là lý do làm bố mẹ mệt mỏi, uống rượu bia… Dần dần, con trẻ sẽ bị cuốn theo những xung đột của người lớn. Cha mẹ bắt con nghe những lời than vãn, phàn nàn nhưng lại không cho con được bày tỏ quan điểm cá nhân như một người lớn thực sự.
Không bao giờ thỏa mãn với thành tích con đạt được
Nhóm phụ huynh này thường khao khát con mình phải đứng vị trí số 1 hay đạt thành tích xuất sắc. Những gì mà trẻ cố gắng dường như không bao giờ là đủ để làm vừa lòng cha mẹ. Việc đưa ra những lời nhận xét sai lệch có thể làm tổn thương con cái và khiến chúng nghĩ rằng mình là nỗi thất vọng của cha mẹ.
Bắt con cái phải nghe lời nhưng nếu sai lầm là do con gây ra
Cha mẹ coi con như một món đồ, họ vẽ ra kế hoạch và bắt con đi theo đúng con đường mà họ đã định. Họ cũng không mấy quan tâm đến hậu quả của việc kiểm soát con cái quá mức và nếu có vấn đề gì thì đó là do lỗi của con.
Cha mẹ quá quyền lực, quyết định mọi việc của con
Trong một số gia đình, có nhiều cha mẹ có tính cách cực đoan, mạnh mẽ, luôn tự làm theo ý mình vì cho rằng đó là điều tốt nhất cho con mà chưa từng lắng nghe những mong muốn của trẻ. Khi lời nói bị coi nhẹ, con sẽ cảm giác bản thân kém cỏi, không đủ quyết tâm để làm các việc khác. Là cha mẹ, thay vì làm hết mọi thứ hộ con, nên trau dồi khả năng suy nghĩ độc lập của trẻ.
Yêu thương và dành thời gian đồng hành cùng con là điều bố mẹ nào cũng nên làm. Hãy giúp trẻ xây dựng lòng tự tin ngay từ khi con nhỏ.