“Quy trình sản xuất chế phẩm giữ ẩm sinh học” 3 chủng vi khuẩn sinh tổng hợp chất giữ ẩm sinh học được phân lập tại Việt Nam của nhóm nghiên cứu đã được Cục Sở hữu Trí tuệ chấp nhận đơn giải pháp hữu ích.
Quy trình biến rác thành phân hữu cơ gồm: Rác hữu cơ sau khi được phân loại và đồng nhất tự động trộn với giống vi sinh vật và các chất thêm khác, tiếp tục đảo trộn, tạo đống ủ cao dưới 3m với các cảm biến đo nhiệt tự động ở các vị trí khác nhau.
Trong 15 ngày đầu nhiệt độ sẽ tăng trên 60 - 75 độ C. Trong điều kiện nhiệt độ cao kéo dài sẽ giúp cho mầm bệnh như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng các chất ô nhiễm nồng độ thấp (chất làm hỏng hệ miễn dịch)… hoàn toàn bị loại bỏ.
Đặc biệt chế phẩm tạo ra các enzyme ngoại bào như: Xylanase, chitinase, lipase, amylase, protease, CMCase, laccase… Các enzyme này đều sinh tổng hợp bởi các chủng thuộc nhóm Bacillus, Streptomyces, Thermomyces và Chaetomium ưa nhiệt (có trong 3 giải pháp hữu ích) với hoạt tính rất khác nhau ở các giai đoạn chuyển hóa trong đống ủ compost khác nhau.
Ở dự án trên, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện được quy trình sản xuất compost từ rác thải sinh hoạt với quy mô 50 - 70 tấn/ngày (35 - 50 tấn rác hữu cơ/ngày) và sản xuất được 255 tấn compost đạt chỉ tiêu về chất lượng theo tiêu chuẩn phân bón hữu cơ Việt Nam. Với chất lượng đã đạt được của compost hoàn toàn đủ tiêu chuẩn là mùn hữu cơ để sử dụng trồng các loại cây công nghiệp.
PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà cũng đã phân lập, phân loại được 3 chủng vi khuẩn thuộc chi Bacillus và Serratia từ đất khô cằn của Việt Nam có khả năng sinh tổng hợp được chất giữ ẩm sinh học (EPS) và tạo được quy trình sản xuất chất giữ ẩm sinh học có hoạt tính giữ ẩm tốt đã được thử nghiệm trong trồng cây keo.
Khi đất được bổ sung chế phẩm giữ ẩm, compost và biochar theo tỉ lệ thích hợp, cây keo sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Đồng thời, chế phẩm giữ ẩm sinh học đã tăng hiệu quả giữ ẩm của đất thêm 30 - 35% so với các cây keo được trồng tại khu vực trồng đối chứng.