Chủ tịch Trần Hùng Huy được chia hơn 115 tỷ đồng tiền cổ tức từ cổ phiếu ACB
Trước đó, ACB đã phát hành 506.615.264 cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông với tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới), tăng vốn điều lệ thêm tương ứng 5.066 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức năm 2022. Sau phát hành, tổng số cổ phiếu lưu hành của ACB tăng từ 3.377 triệu cổ phiếu lên 3.884 triệu cổ phiếu.
Hồi đầu tháng, ACB đã thông báo 2/6/2023 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền trả cổ tức năm 2022 bằng tiền và cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện là bằng tiền là 10% (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng) và 15% bằng cổ phiếu.
Với việc sở hữu hơn 115,7 triệu cổ phiếu ACB tại ngày chốt danh sách, Chủ tịch Trần Hùng Huy được phân phối số tiền mặt lên tới hơn 115,7 tỷ đồng cùng với gần 17,4 triệu cổ phiếu mới. Qua đó đưa tổng lượng cổ phần ACB mà ông Trần Hùng Huy nắm giữ tăng lên hơn 133 triệu đơn vị, tuy nhiên tỷ lệ sở hữu vẫn giữ ở mức 3,43% cổ phần ngân hàng.
Cùng với hơn 115,7 tỷ đồng tiền mặt từ chia cổ tức được nhận, tính theo giá thị trường khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Trần Hùng Huy có giá trị hơn 2.934 tỷ đồng.
Sau hai phiên giảm điểm liên tiếp của thị trường chứng khoán Việt Nam, chuyên gia của Chứng khoán Vietcap cho rằng trong phiên tới ngưỡng hỗ trợ MA10 của chỉ số VN30 có thể thúc đẩy lực mua từ vùng giá thấp đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, qua đó giúp VN-Index xuất hiện nhịp hồi phục. Chỉ số đại diện sàn HOSE có thể sẽ kiểm định lại đường MA10 tại 1.025 điểm và cao hơn là đường MA5 tại 1.030 điểm. Tuy nhiên, nếu lực mua ở vùng giá cao có xung lực yếu khiến cho VN-Index thu hẹp đà tăng và duy trì đóng cửa dưới mốc 1.025 điểm, nhiều khả năng chỉ số sẽ tiếp tục đà giảm ở những phiên sau đó, hướng về vùng 1.102-1.105 điểm.
Chuyên gia của chứng khoán SHS nhận định sau 4 tuần tăng điểm liên tiếp, tuần này (từ 26-30/06) thị trường điều chỉnh nhẹ và đóng cửa ở 1.120,18 điểm (-9,2 điểm, -0,81%). Việc diều chỉnh là cần thiết sau khi VN-Index trước đó đã vượt ngưỡng kháng cự 1.120 điểm sau giai đoạn dài tăng điểm và qua đó tiếp tục giúp tích lũy thêm nội lực trước khi có thể bứt phá dứt khoát khỏi khu vực kháng cự. Thị trường duy trì sóng hồi với sức mạnh ổn định được thể hiện rõ qua từng đợt tăng kèm điều chỉnh tích lũy lại và chúng tôi đã phân tích kỹ kèm khuyến nghị trong các bản tin thời gian qua. Với trạng thái hiện tại khả năng VN-Index sớm tăng điểm trở lại để hướng tới ngưỡng kháng cự mạnh hơn quanh 1.150 điểm vẫn được duy trì.
Xu hướng dài hạn của thị trường vẫn đang tích cực với nhịp điều chỉnh trong tuần vừa qua và tiếp tục tích lũy trong khu vực rộng từ 1.000 điểm đến 1.150 điểm, đồng thời tạo cơ sở để hình thành uptrend nếu VN-Index tích lũy đủ và vượt qua mốc 1.150 điểm.
Về tình hình vĩ mô, những số liệu của quý II mới công bố trong tuần qua cho thấy đà tăng trưởng đang suy giảm, xuất khẩu sụt giảm so với cùng kỳ, tín dụng tăng thấp. Mặc dù đây là hệ quả của những khó khăn đã được nhận diện và Chính phủ cũng đã và đang tích cực đưa ra các giải pháp như thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và BĐS…nhưng cần thêm thời gian để các giải pháp nói trên phát huy tác dụng thực tế. Nhìn chung, thị trường chứng khoán thường sẽ có những phản ứng sớm nên chúng tôi kỳ vọng việc thị trường chuyển trạng thái sang vận động tích cực là có thể hiểu được.
Thị trường ngắn hạn dự báo vẫn tiếp tục có các nhịp rung lắc, điều chỉnh trong sóng hồi hướng tới ngưỡng kháng cự mạnh 1.150 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể tranh thủ nhịp điều chỉnh để cơ cấu lại danh mục nhưng nên duy trì tỷ trọng trung bình và hạn chế mua đuổi cổ phiếu giá cao. Nhà đầu tư trung và dài hạn đã giải ngân trong giai đoạn vừa qua nên duy trì danh mục hiện tại. Trong trường hợp cần giải ngân thêm có thể tận dụng các phiên điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng, hướng giải ngân nên lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, các cố phiếu có tiềm năng tăng trưởng ổn định đang vận động trong trạng thái tích lũy hiện nay.