Không sai khi nói “Văn là người” và cần thiết trong tất cả lĩnh vực, ngành nghề. Nhưng dùng môn Văn để tuyển sinh đầu vào ngành Y lại là câu chuyện hoàn toàn khác và cần cân nhắc, tính toán thiệt hơn. Bởi suy cho cùng, yếu tố quan trọng nhất mà cơ sở giáo dục đại học và dư luận xã hội quan tâm là chất lượng đào tạo của các trường như thế nào?
Trường nào có hình thức, cách thức tuyển sinh không phù hợp, đầu vào tuyển sinh quá thấp… sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và chất lượng đào tạo. Lẽ tất nhiên, về lâu về dài thí sinh sẽ không lựa chọn theo học. Đơn vị sử dụng lao động không thiết tha khi tuyển dụng.
Thiết nghĩ, để tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”, Bộ Y tế cần xây dựng Chuẩn chương trình đào tạo của khối ngành Sức khỏe. Chuẩn này không chỉ quy định về ngưỡng đầu vào, mà còn gồm yêu cầu khác về điều kiện bảo đảm chất lượng và chuẩn đầu ra cho từng nhóm ngành, ngành đào tạo.
Riêng với chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo, cần xác định rõ những yêu cầu tối thiểu về năng lực, kinh nghiệm phù hợp với từng trình độ, ngành và định hướng đào tạo mà người học cần đáp ứng để có thể học tập thành công.
Khi quy định về chuẩn đầu vào, các trường cần quy định rõ yêu cầu về kiến thức, năng lực… của người học; trong đó có thể yêu cầu về kiến thức các môn trong tổ hợp xét tuyển hay bài thi đánh giá năng lực đầu vào.