"Những tiết lộ của Haugen là đòn nặng với Facebook. Chúng ta đã biết về vấn đề này từ lâu, nhưng cô ấy thay đổi hoàn toàn cuộc chơi khi công bố những tài liệu nội bộ cho thấy giới lãnh đạo Facebook đã được cảnh báo từ sớm về những vấn đề nghiêm trọng nhưng lại không có hành động phù hợp", Roger McNamee, nhà đầu tư Facebook và thành viên nhóm Real Facebook Oversight Board, nói.
Ông cũng cho rằng thực tế, việc ưu tiên lợi nhuận hơn an toàn cộng đồng không chỉ giới hạn với Facebook, mà còn ở nhiều doanh nghiệp khác. "Mô hình kinh doanh của Facebook áp dụng các biện pháp theo dõi người dùng và sử dụng dữ liệu để tác động đến hành vi, lựa chọn của chúng ta. Nó được Google tạo ra và đang hiện diện ở Amazon, Microsoft và nhiều công ty trong mọi lĩnh vực kinh tế. Các nhà quản lý cần dự báo những tác hại của chúng", McNamee cho hay.
Cuộc điều trần của Haugen được đánh giá là động lực thúc đẩy Quốc hội Mỹ hành động nhằm phê chuẩn các đạo luật về quyền riêng tư, an toàn cộng đồng và cạnh tranh.
"Trong vấn đề riêng tư, mọi người cần có quyền tự đưa quyết định mà không chịu ảnh hưởng từ bên ngoài. Hình thức theo dõi như của Facebook là phi đạo đức không khác gì sử dụng lao động trẻ em. Chúng ta cần những cơ quan kiểm soát công nghệ để bảo đảm sản phẩm an toàn, cùng chính sách chống độc quyền để hạn chế hệ lụy từ thế độc quyền của các doanh nghiệp", McNamee cho hay.
"Facebook là một trong những công ty tồi tệ nhất được thành lập", chuyên gia tài chính Michael Lee nhận xét tương tự trên Fox Business. "Tôi tin đó là một công ty độc ác, nhất là khi họ đã có những nghiên cứu nội bộ về việc nền tảng có thể gây hại cho nhiều người, trong đó có thanh thiếu niên, nhưng lại không có động thái thay đổi".
Không thống nhất về giải pháp
"Facebook đã chìm trong nhiều vấn đề từ khi ra đời gần 20 năm trước. Công ty này vẫn sống sót dù trải qua nhiều đợt điều tra, vì phần lớn mọi người đều hiểu vấn đề có tồn tại nhưng không thể thống nhất giải pháp xử lý", Gautam Hans, Giáo sư dự bị ngành luật tại Đại học Vanderbilt của Anh, cho biết.
Trong khi đó, theo Michael Lee, Facebook đã trở thành một công cụ chính trị ở nhiều nơi, nhưng lại không phải chịu bất kỳ hậu quả lớn nào. "Không ai làm gì được họ, họ đã trở nên quá mạnh và quá quyền lực", Lee nói.
Giới quản lý Mỹ đã đưa ra hàng loạt đề xuất, từ đạo luật về quyền riêng tư tới chống độc quyền nhằm giải quyết Điều 230 trong luật về Chuẩn mực Truyền thông của Mỹ, vốn bảo vệ những nền tảng mạng xã hội như Twitter, Facebook, YouTube khỏi các vụ kiện về nội dung.
"Tôi nghĩ Facebook sẽ vẫn sống sót, nó quá mạnh mẽ và bền bỉ. Thật khó tưởng tượng đến một thế giới không có Facebook, nhưng chắc chắn sẽ có sự thay đổi về cách nhìn nhận từ xã hội và cấu trúc của mạng xã hội này. Những công cụ rõ ràng nhất để kiểm soát Facebook cũng sẽ có nhiều hạn chế, nhưng giới lãnh đạo Facebook sẽ không thể mãi phớt lờ áp lực như hiện nay", Gautam Hans nói.