Gác kèo ong - chuyện cổ tích có thật ở rừng U Minh - Kỳ 5: Nghề gác kèo ong vẫn 'hái ra tiền'

30/05/2023, 11:17
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Gác kèo ong - chuyện cổ tích có thật ở rừng U Minh.

Gác kèo ong - chuyện cổ tích có thật ở rừng U Minh - Kỳ 5: Nghề gác kèo ong vẫn hái ra tiền - Ảnh 1.

Du khách thích thú trải nghiệm cảnh ăn ong ở khu du lịch Mười Ngọt - Ảnh: NGUYỄN THANH DŨNG

Con ong khoái đến nay vẫn "khoái" chọn rừng tràm U Minh về làm tổ. Trong phạm vi rừng Vườn quốc gia U Minh Hạ, thỉnh thoảng những đàn ong vẫn dạt vào chọn các chảng ba cây rừng lớn hay các thân tràm gãy ngã ngang để làm tổ.

Phó giám đốc vườn Lê Thanh Dũng cho biết một trong những nhiệm vụ bảo vệ rừng là khi phát hiện ong làm tổ phải cắt bỏ tổ ngay. "Đề phòng người ta vào khai thác tổ ong có thể gây ra hỏa hoạn, nhất là vào mùa khô", ông Dũng nói.

Thợ gác mướn "thế hệ mới"

Tuy vậy, thỉnh thoảng vườn vẫn thu được những tổ ong hơn cả chục lít mật. Đa số tổ này nằm trong vùng lõi vườn, nơi vẫn còn thứ tràm nước nguyên sinh cho ra tán rộng, nhiều cành, bông dày, được bảo vệ tránh khỏi sự xâm phạm.

Còn những cánh rừng U Minh Hạ ngoài phạm vi hơn 8.200ha của Vườn quốc gia U Minh Hạ hiện nay đa số đều là tràm non hoặc tràm Úc, keo lai trồng theo các liếp được xáng cạp thẳng tắp.

Từng tham gia tập đoàn phong ngạn, ông Phan Văn Sua (xã Khánh Thuận, huyện U Minh, Cà Mau) đã dừng việc gác kèo từ chục năm trước, dù ở tuổi 80 ông vẫn có thể lái xe Cub chạy vòng vòng quanh ấp để hội họp bạn bè. Con cái ông Sua cũng đã lớn, học hành tới nơi tới chốn, đi lập nghiệp khắp nơi.

Riêng anh con trai lớn Phan Văn Trường ở lại cùng cha, nhận khoán chung gần hai chục mẫu tràm từ Công ty TNHH MTV lâm nghiệp U Minh Hạ, nhưng anh cũng không tự tay đi gác kèo mà giao cho người anh em bà con Nguyễn Văn Ngọt vào gác.

"Ngọt có khiếu. Gác ong về đều lắm. Mình xưa cũng gác mà hổng lại. Gác cực thấy mồ, mà còn lắm việc khác, nên thôi giao luôn cho Ngọt gác rồi chia đôi", anh Trường cười chia sẻ.

Ngày chúng tôi về tìm hiểu nghề gác kèo ong, anh Ngọt giật máy xuồng đưa chúng tôi ra thăm gần 30 kèo ong trong vườn nhà ông Sua với tâm trạng buồn bã. Mới tuần trước đó, bọn trộm đã vô vặt sạch 24 miếng tổ ong lớn mà anh đang chuẩn bị thu hoạch.

"Cho trung bình miếng chừng 2 lít thì cũng xem như mất gần 50 lít mật. Mật mùa này giá 500.000 đồng/lít lận", anh Ngọt than.

Anh Ngọt năm nay 45 tuổi, nuôi vợ và hai con nhỏ với một công đất mé biển do cha để lại. Công đất ấy được anh đào ao nuôi tôm, nhưng mỗi năm một vụ tôm cũng không được mấy. Thời gian rảnh rỗi, anh đi xin gác kèo trong những cánh rừng tràm người ta chờ chặt lấy gỗ.

"Nghề này từ nhỏ tui đã được ông nội đưa vô rừng coi, rồi lớn theo cha đi gác. Có từ trong máu rồi nên thấy đơn giản lắm. Một mình gác một bộ kèo bình thường. Chỉ cần thường xuyên đi thăm, đi canh kẻo bị trộm thôi", anh Ngọt nói thật thà chuyện mà ngày xưa không hề có.

Những phong ngạn năm xưa như ông Sua đã già đi, trong khi con cái ít người đủ kiên nhẫn hoặc năng khiếu để theo nghề. Họ để những người thợ "thế hệ mới" như anh Ngọt vào gác kèo rồi chia đôi số lượng mật. Một người thợ như anh Ngọt có thể nhận gác kèo ong gần trăm héc ta rừng ở xã Khánh Thuận.

Việc bị trộm 24 miếng tổ ong vừa qua là chuyện xui xẻo nhưng cũng không khiến anh Ngọt nản chí, bởi anh vẫn còn hàng chục tổ khác đang được ong khoái xây mật hằng ngày.

Và hiện ở Cà Mau rất nhiều người đi gác kèo ong mướn kiểu như anh Ngọt. Một số ít có đất rừng, tận dụng gác kèo ong chủ yếu kiếm thêm thu nhập chứ cũng không hoàn toàn sống bằng nghề ăn ong nữa.

Làm du lịch và truyền nghề cho cộng đồng

Nếu đến Cà Mau mà muốn được trải nghiệm đi ăn ong một lần ở bất kỳ mùa nào, thì khách có thể đến khu du lịch Mười Ngọt ở ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời của ông Phạm Văn Ngọt.

Ông Mười Ngọt, năm nay đã 60 tuổi, từ quê nhà ở huyện Cái Nước dong xuồng máy theo nghề tát đìa, bắt cá về xứ này năm 1995. "Tui gom gần trọn số tiền tích góp đến gần 30 cây vàng để đấu giá hơn 66ha đất rừng. Hồi đó ở đây cá, rắn, rùa lềnh bưng mà dân thưa. Nhiều người cũng đấu giá mà chịu không nổi cảnh muỗi mòng, rắn rít, nên bỏ từ từ, nhượng quyền khai thác lại. Tui gom dần, đến nay được hơn 186ha", ông Mười Ngọt kể.

Ban đầu nhận đất cũng chỉ để khai thác cá là chính. Phải đến sau cơn bão lịch sử năm 1997, những tàng ong lủng lẳng treo trên các thân tràm bị xô ngã cuốn hút quá, ông Mười Ngọt mới lân la tìm các thợ ăn ong học bí quyết gác kèo.

Đến năm 2002, khi con trai lớn Phạm Duy Khanh tốt nghiệp phổ thông, ông mới đưa cả gia đình sang ở hẳn. Rồi mời các thầy ăn ong về dạy cho hai con trai, chính thức ăn ong "chuyên nghiệp".

Anh Khanh, nay đã 37 tuổi, được thọ giáo nhiều sư phụ do cha mời về dạy nhanh chóng trở thành thợ ăn ong nổi tiếng "mát tay", với những trảng gác đến 3, 4 kèo sát nhau mà ong vẫn tìm đến làm mật đều tắp.

Từ năm 2015, anh Khanh được ông Lê Văn Dũng, hiện là giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, bấy giờ đang là giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh hỗ trợ làm du lịch cộng đồng, quảng bá điểm đến U Minh Hạ thông qua sản vật đặc trưng bằng nghề gác kèo ong.

Ông Dũng còn hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, nâng giá trị giọt mật ong trở về đúng giá trị "đặc sản độc đáo, chất lượng" thông qua thương hiệu RUM CM.

Những đoàn khách từ trong và ngoài nước bắt đầu kéo về. Anh Khanh phối hợp với tỉnh tổ chức các lớp học, mướn thợ ăn ong lão luyện về dạy, nâng cao tay nghề gác kèo ong cho những người trong vùng. Từ đó, quanh ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc cũng bắt đầu phục hồi mạnh mẽ việc gác kèo ong.

"Để đón khách quanh năm, lúc nào mình cũng phân phối để thu hoạch số lượng kèo có ong về làm tổ một cách hợp lý. Khách có nhu cầu lấy tổ mật thì mình bán luôn. Mỗi năm, cả khu du lịch này mình vẫn còn ăn được khoảng hơn 1.000 lít mật. Khách muốn mua nguyên tổ họ tự bắt hay mật sẵn gì mình cũng có", anh Khanh chia sẻ.

Nhiều người dân quanh vùng biết cách ăn ong, có kinh nghiệm gác kèo ong cũng dần trở thành nhân viên chính thức cho điểm du lịch. Một người thợ ăn ong lành nghề tại đây có thể dẫn đến 10 khách đi ăn ong cùng lúc.

Một ngày công 200.000 đồng, khi không có khách, những người thợ ăn ong này vẫn tiếp tục công việc chính hằng ngày là đi dọn rừng tràm, kiếm trảng ong, gác kèo, thu hoạch mật ong hoặc khai thác thêm cá, lươn để điểm du lịch sẵn sàng phục vụ khi có khách. Và khu rừng của ông Mười Ngọt vẫn đang nuôi sống hơn mười người thợ ăn ong...

Gác kèo ong - chuyện cổ tích có thật ở rừng U Minh - Kỳ 5: Nghề gác kèo ong vẫn hái ra tiền - Ảnh 2.

Nhiều món ngon lạ làm từ tổ ong như ong non trộn gỏi, ong non chiên bột để đãi du khách đến rừng U Minh Hạ - Ảnh: SƠN LÂM

Trải nghiệm gác kèo ong, khách có thể tận tay ăn ong nếu may mắn gặp phải "tổ ong hiền". Quá trình đi ăn ong bằng thuyền, khách có thể biết thêm cảnh sông nước rừng tràm U Minh Hạ, biết được cách thức đặt lợp, câu cá... Và thưởng thức các món từ tổ ong như gỏi trộn ong non, ong chiên bột để nhấm nháp vài ly rượu pha tàng ong hay pha phấn ong.

Đặc biệt, những sáp mật tươi rói được giữ trong ngăn mát, có thể xắt lát ra từng miếng trong như bánh kem, thơm đẫm mật ong. Nhai vào vừa có cảm giác ngọt của mật túa ra, vừa có cái béo dịu của sáp ong hòa vị, ăn hoài không chán...

--------------

"Ai về Cà Mau không có cá khô thì cũng mật ong đem về" là nếp nghĩ bao đời của người dân U Minh chất phác, hào sảng.

Kỳ cuối: Mật thật - mật giả và danh tiếng mật ong rừng U Minh Hạ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gác kèo ong - chuyện cổ tích có thật ở rừng U Minh - Kỳ 5: Nghề gác kèo ong vẫn 'hái ra tiền'