Gắn kết bài bản, dài hạn giữa trường đại học sư phạm và trường phổ thông

Hải Bình | 27/04/2022, 10:25
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sáng 27/4, Chương trình ETEP (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức tọa đàm "Trường sư phạm đồng hành cùng trường phổ thông trong phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục".

Tọa đàm Trường sư phạm đồng hành cùng trường phổ thông trong phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Tăng cường năng lực trường sư phạm

PGS.TS Nguyễn Văn Hiền - Phó hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội - khẳng định, thực hiện Chương trình ETEP đã làm thay đổi cơ bản các hoạt động của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội theo hướng tích cực; trước hết là sự bài bản trong việc lập kế hoạch cho các hoạt động hàng năm, 5 năm và dài hơn.

Chương trình đã thiết kế hoạt động và đánh giá năng lực của mỗi trường đào tạo sư phạm theo các khía cạnh từ quản trị hệ thống; đảm bảo chất lượng, chương trình đào tạo; nghiên cứu khoa học; hợp tác quốc tế, vùng, địa phương; chiến lược nhân lực, nguồn lực; cho đến hỗ trợ đội ngũ giảng viên, người học và cựu người học… đã tạo nên một tác động khá trọn vẹn.

Hằng năm, các cam kết của nhà trường với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ngân hàng Thế giới được đánh giá khách quan và kiểm đếm độc lập… Các đánh giá này là cơ sở giúp nhà trường khắc phục các điểm yếu, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kế hoạch của Nhà trường.

Cũng trong giai đoạn này, năng lực Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được tăng cường thể hiện ở các mảng quản trị nhà trường, phát triển chương trình đào tạo, nghiên cứu đổi mới và phát triển nhà trường. Kết quả đánh giá, xếp hạng khách quan của các tổ chức đánh giá trong và ngoài nước cho thấy Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một trong 10 trường đại học được đánh giá tốt nhất Việt Nam.

Từ năm 2019-2021, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên đã đồng hành cùng hơn 3.200 giáo viên phổ thông cốt cán của 8 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu và Sơn La để thực hiện bồi dưỡng 6 mô đun (môn đun 1, 2, 3, 4, 5, 9), giúp cho các giáo viên phổ thông cốt cán có khả năng thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

PGS.TS. Mai Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, cho biết: Cái được lớn nhất sau các đợt bồi dưỡng mà Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên thực hiện, đó là đã làm thay đổi suy nghĩ của hầu hết các giáo viên phổ thông trong việc tự học, tự bồi dưỡng. Giáo viên phổ thông cốt cán năng động hơn, sáng tạo, biết chia sẻ kiến thức cho đồng nghiệp, liên tục phát triển chuyên môn nghề nghiệp, đáp ứng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo vì sự phát triển và phúc của học sinh.

Cùng với đó, Thông qua chương trình bồi dưỡng, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên và các sở Giáo dục và Đào tạo hình thành nên các cộng đồng học tập, nơi các giáo viên phổ thông cốt cán, giáo viên phổ thông đại trà và các giảng viên sư phạm được trao đổi về chuyên môn (giảng dạy, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học) và trao đổi về học thuật.

Đặc biệt, Thông qua hoạt động hỗ trợ giáo viên phổ thông bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp thuộc Chương trình ETEP, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên đã có những thay đổi chuyển biến tích cực về quản trị nhà trường, công tác đào tạo,nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên nhà trường…

Với kết quả, tác động tích cực như trên, để duy trì những kết quả đạt được và những tác động của Chương trình, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các văn bản thống nhất để hỗ trợ cho hoạt động dạy học, giáo dục, công tác kiểm tra đánh giá và thi cử theo định hướng phát triển năng lực một cách đồng bộ để những kết quả bồi dưỡng được duy trì bền vững.

Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy mô hình bồi dưỡng giáo viên phổ thông thường xuyên, liên tục, tại chỗ theo mô hình của Chương trình ETEP; ban hành chính sách để tiếp tục gắn trách nhiệm của các trường sư phạm với các sở giáo dục và đào tạo trong công tác bồi dưỡng giáo viên.

Đồng thời, quan tâm, đầu tư nguồn lực có tính chất trọng điểm cho Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để Trường trở thành trường đại học thông minh, là một trung tâm dữ liệu số quan trọng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trên cả nước.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/gan-ket-bai-ban-dai-han-giua-truong-dai-hoc-su-pham-va-truong-pho-thong-lP3JSsQnR.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/gan-ket-bai-ban-dai-han-giua-truong-dai-hoc-su-pham-va-truong-pho-thong-lP3JSsQnR.html
Bài liên quan
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội công bố kế hoạch thi đánh giá năng lực năm 2025
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vừa công bố kế hoạch tổ chức thi, đề thi tham khảo kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức năm 2025 (kỳ thi SPT).

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gắn kết bài bản, dài hạn giữa trường đại học sư phạm và trường phổ thông