Sức khỏe

Gạo nếp thơm ngon nhưng 3 nhóm người này không nên ăn

10/07/2024 14:38

Gạo nếp có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như: xôi, chè, bánh... tuy nhiên không phải ai cũng có thể ăn được gạo nếp.

Giá trị dinh dưỡng của gạo nếp

Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BS. Bùi Thị Yến Nhi - Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Cơ sở 3 cho biết, không chỉ là loại lương thực quan trọng, gạo nếp còn được ghi nhận như một vị thuốc chữa bệnh.

Về mặt dinh dưỡng, gạo nếp chứa lượng lớn protein, axit amin, chất béo, đường, canxi và các khoáng chất khác (sắt, phospho...), cũng như các nguyên tố vi lượng như vitamin B (B1, B2, B3-niacin) và tinh bột.

Gạo nếp có hàm lượng canxi tương đối cao, tác dụng tốt trong việc củng cố sự chắc khỏe xương và răng. Ngoài ra, nó cũng giàu lượng vitamin B thúc đẩy sự thèm ăn, tăng cường nuôi dưỡng thần kinh và cải thiện triệu chứng mất ngủ.

Gạo nếp còn gọi là nhu mễ, theo quan điểm của y học cổ truyền có tính ấm, vị ngọt, tác dụng bổ khí kiện tỳ vị chỉ tả, ôn ấm trung tiêu, cố biểu liễm hãn (giảm tiết mồ hôi) và giảm đi tiểu thường xuyên.

Gạo nếp được xếp vào nhóm thuốc bổ, quy vào kinh phế và tỳ vị. Vì vậy thích hợp dùng trong các trường hợp có tình trạng kém ăn, buồn nôn, tiêu chảy do tỳ vị khí hư, hay người dễ ra mồ hôi, mệt mỏi, suy nhược thần kinh, khó thở do khí hư.

Các món ăn bài thuốc từ gạo nếp

Báo Vietnamnet dẫn lời BSCK II Huỳnh Tấn Vũ - Giảng viên khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chỉ ra các món ăn từ gạo nếp, được coi là bài thuốc như sau:

- Rượu nếp (cơm rượu): Cách làm đơn giản, nấu cơm nếp lứt rồi trộn với men cơm rượu, ủ vài ba hôm, sau quá trình lên men được cơm rượu. Mỗi ngày ăn một bát con cơm rượu có tác dụng kiện tỳ, bổ khí khai vị, dùng trong dịp lễ tết.

Gạo nếp tốt nhưng không phải ai cũng có thể ăn được
Gạo nếp tốt nhưng không phải ai cũng có thể ăn được

- Nước gạo nếp rang: Ngâm nước một ngày đêm, thay nước vài ba lần, đem vo rửa sạch, phơi nắng hoặc sấy khô, sao vàng và tán bột để sẵn. Khi dùng hòa với nước sôi, chút đường. Dùng cho các trường hợp nôn ói như trào ngược dạ dày - thực quản, hẹp môn vị, rối loạn do thai nghén.

- Hồ bột gạo nếp, củ mài: Gạo nếp (500g) ngâm nước khoảng 12 tiếng, vo rửa sạch, để khô, sao tán bột. Củ mài (500g) sao qua, tán bột. Mỗi lần lấy mỗi thứ 1 thìa, thêm đường và bột hồ tiêu, dùng nước sôi khuấy đều. Ăn bữa sáng khi đói. Dùng cho người cao tuổi, trẻ em ăn kém, suy nhược hoặc tiêu chảy lâu ngày ăn kém.

- Chè gạo nếp, đậu đỏ: Gạo nếp 50g, đậu đỏ 50g, cám gạo 50g, đường nấu thành chè ăn, giúp chữa bệnh tê phù.

- Bánh ú nước tro: Ngâm gạo nếp vo nhiều lần đến khi nước ngâm thật trong, đổ nước vào sâm sấp mặt nếp ngâm khoảng 4 tiếng, cho thêm 200ml nước tro vào ngâm tiếp trong 20 tiếng. Lá tre đem rửa sạch rồi đem đi hấp trong 5 phút để nguội, lấy khăn sạch lau thật khô hai mặt lá để bánh để lâu hơn. Lấy lá tre gấp lại thành hình cái phễu rồi múc từng muỗng nếp cho vào, nén lại.

Bạn gấp kín miệng bánh và nhẹ nhàng gấp bánh theo hình kim tự tháp, lấy dây gói bánh lại thật chặt, làm đến hết số nếp đã ngâm. Xếp bánh vào nồi, đổ nước lạnh vào ngập mặt bánh, luộc trong 5 tiếng thì bánh mới trong và dẻo được.

Những người không nên ăn gạo nếp

Gạo nếp tuy mang lại nhiều lợi ích với sức khoẻ, nhưng không phải ai cũng có thể ăn được. BS Bùi Thị Yến Nhi cho biết, những người dưới đây được khuyến cáo không nên ăn gạo nếp:

- Người viêm dạ dày tá tràng: Tinh bột trong gạo nếp là amylopectin phân nhánh nên khó tiêu hóa và thủy phân ở ruột, dạ dày, và đồng thời kích thích dạ dày co bóp và tăng tiết nhiều acid hơn. Vì vậy bị viêm dạ dày tá tràng cấp, u đường tiêu hóa hoặc vừa trải qua phẫu thuật đường tiêu hóa thì nên không nên ăn.

- Người mới ốm dậy: Gạo nếp có thành phần tinh bột dạng amylopectin, tính dẻo dính nên dễ gây đầy bụng, khó tiêu vì vậy người già, trẻ em (trẻ dưới 1 tuổi không nên ăn), người bệnh mới ốm dậy tiêu hóa kém cần thận trọng khi dùng.

- Người mắc bệnh mạn tính: Người mắc bệnh đái tháo đường, mỡ máu cao (tăng triglyceride), béo phì nên hạn chế hoặc ăn ít gạo nếp. Do hàm lượng chất béo, tinh bột và chỉ số đường (GI) trong gạo nếp cao hơn gạo tẻ vì vậy sẽ khó để kiểm soát các loại bệnh trên. Bánh gạo nếp dù ngọt hay mặn đều chứa nhiều carbohydrate và natri, người mắc bệnh tiểu đường, thừa cân hoặc các bệnh mạn tính khác (như bệnh thận, mỡ máu cao) nên ăn càng ít càng tốt.

Bên cạnh đó, người có cơ địa đàm thấp nhiệt, đang sốt, ho có đàm vàng hoặc vàng da, chướng bụng thì không nên sử dụng.

Trên đây là những người không nên ăn gạo nếp. Nếu bạn thuộc nhóm những người trên hãy tránh xa gạo nếp nhé.

Thanh Thanh(Tổng hợp)

Theo vtc.vn
https://vtc.vn/gao-nep-thom-ngon-nhung-3-nhom-nguoi-nay-khong-nen-an-ar882215.html
Copy Link
https://vtc.vn/gao-nep-thom-ngon-nhung-3-nhom-nguoi-nay-khong-nen-an-ar882215.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gạo nếp thơm ngon nhưng 3 nhóm người này không nên ăn