(GDTĐ) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong quý II/2025 tăng 3,31% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá điện, thực phẩm, nhà ở và dịch vụ y tế tăng mạnh. Đây là thông tin được công bố trong báo cáo mới nhất của Cục Thống kê thuộc Bộ Tài chính.
Riêng trong tháng 6, CPI tăng 0,48% so với tháng trước và tăng 3,57% so với cùng kỳ năm 2024. Mức tăng chung của quý II đến từ sự ảnh hưởng của 6 nhóm hàng hóa và dịch vụ thiết yếu. Đáng chú ý, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,6%, đóng góp tới 1,21 điểm phần trăm vào mức tăng CPI chung. Trong đó, giá thực phẩm tăng 4,1%, khiến CPI tăng thêm 0,87 điểm phần trăm. Giá ăn uống ngoài gia đình cũng tăng 3,68%, chủ yếu do chi phí nguyên liệu và nhân công tăng, góp phần làm CPI tăng thêm 0,32 điểm phần trăm.
Nhóm nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng ghi nhận mức tăng mạnh 6,35%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc tăng giá thuê nhà và điều chỉnh giá điện sinh hoạt. Đặc biệt, từ ngày 10/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chính thức tăng giá bán lẻ điện theo Quyết định 1279 với mức tăng 4,8% ở tất cả các bậc thang, tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 5 và tháng 6.
Giá dịch vụ giáo dục trong quý cũng tăng 2,95% do một số địa phương điều chỉnh học phí cho năm học mới, làm CPI tăng thêm 0,18 điểm phần trăm. Dịch vụ y tế tăng mạnh tới 13,35% do ảnh hưởng từ Thông tư 21 của Bộ Y tế về phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh, góp thêm 0,72 điểm phần trăm vào CPI quý II.
Một số nhóm ngành khác như văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,98%, còn nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,57% do giá vàng và đồ dùng cá nhân tăng theo xu hướng thị trường. Ngược lại, nhóm giao thông, bưu chính và viễn thông ghi nhận đà giảm giá, giúp CPI quý II không tăng quá nóng.
Lạm phát cơ bản trong tháng 6 tăng 0,31% so với tháng trước và tăng 3,46% so với cùng kỳ năm trước. Tính bình quân 6 tháng đầu năm 2025, lạm phát cơ bản tăng 3,16% – thấp hơn mức tăng 3,27% của CPI bình quân chung. Nguyên nhân chính là các yếu tố như giá thực phẩm, điện sinh hoạt và dịch vụ y tế dù có ảnh hưởng lớn đến CPI nhưng lại bị loại trừ khỏi rổ hàng hóa tính lạm phát cơ bản.
Bên cạnh đó, một điểm sáng trong bức tranh kinh tế quý II là mức tăng trưởng GDP đạt 7,96% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng cao thứ hai trong giai đoạn 2020–2025, chỉ đứng sau mức tăng 8,56% của quý II/2022. Khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tiếp tục đóng vai trò chủ lực trong tăng trưởng kinh tế. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 7,52% – mức tăng cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm kể từ năm 2011 đến nay.