Tương tự, ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, thông tin: “Vụ mía vừa rồi, nhà máy đường chịu ảnh hưởng bởi thời tiết, lượng mía giảm hơn 20%. Hiện niên vụ của nhà máy đã kết thúc vào cuối tháng 4. Do vậy, dù biết giá đường biến động và tăng cao nhưng chúng tôi chỉ có thể tập trung khắc phục thiệt hại diện tích mía đã chết do thời tiết nắng nóng gây ra”.
Có dấu hiệu găm hàng, đẩy giá
Xác nhận với VTC News, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, diễn biến thị trường những ngày qua cho thấy bắt đầu có những dấu hiệu của hành vi găm hàng, tăng giá của một số đơn vị, giá đường có thể bị đẩy đến mức vượt quá mức độ hài hòa hợp lý đối với người tiêu dùng nếu xu hướng này tiếp tục.
Mới đây, ngành thực phẩm có công văn kiến nghị mở rộng hạn ngạch nhập khẩu đường với tối thiểu 600.000 tấn do các nhà máy sản xuất đường trong nước không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Hiện nay, ngành đường Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị vào vụ sản xuất ép mía 2023 - 2024 và một thị trường đường ổn định là yếu tố quan trọng bảo đảm đầu ra của chuỗi liên kết sản xuất mía – đường.
Ban Chấp hành Hiệp hội Mía đường Việt Nam khuyến cáo các hội viên sản xuất tham gia bình ổn bằng cách đưa đường ra thị trường theo yêu cầu sử dụng và giữ giá bán đường hiện nay là mức giá hợp lý bảo đảm mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.
"Không để giá đường tăng thêm nữa nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình và người tiêu dùng. Tuyệt đối không thực hiện hoặc tiếp tay với các hành vi găm hàng, đẩy giá", văn bản của Hiệp hội Mía đường Việt Nam nêu.
Đối với những trường hợp không tuân thủ khuyến cáo nêu trên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam sẽ buộc phải có những biện pháp đối phó trong đó có kịp thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan quản lý nhà nước để đề xuất bổ sung hạn ngạch thuế quan 2023.